Không phải cứ có cồn trong máu là ảnh hưởng tới sự tỉnh táo khi lái xe, vì vậy nên có một mức tối thiểu.
Là một bác sĩ có hàng chục năm tiếp xúc trực tiếp với tai nạn giao thông, tôi rất hiểu sự nguy hiểm của việc lái xe sau khi uống rượu bia. Không chỉ hiểu, mà tôi còn rất bức xúc. Tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu con người đang tràn đầy sức sống, bỗng trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Tôi cũng từng chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình tan nát chỉ vì tài xế cứ nhất định lái xe sau những chầu nhậu.
Cần phải chống lại việc uống rượu lái xe và phải chống thật triệt để. Tôi luôn ủng hộ việc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định cứ có cồn trong hơi thở hoặc trong máu với bất kỳ nồng độ nào là xử phạt như hiện hành là căn cứ xử phạt sai về mặt khoa học. Trước đây, các chuyên gia trong ngành y đã lên tiếng trên báo chí và trên mạng xã hội, yêu cầu quy định ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, trong hơi thở và trong máu.
Các nước trên thế giới đều có những quy định xử phạt cho các mức độ cồn trong máu có thể gây nguy hiểm khi lái xe chúng ta có thể tham khảo.
Đồng thời có thể tham khảo ý kiến của những người có trình độ và am hiểu về lĩnh vực cụ thể này để đưa ra các mức nồng độ hợp lý hơn, tránh những oan khiên và bất cập cho người dân.