Nhà xe ngạo nghễ chạy quá tốc độ


Phóng viên Tuổi Trẻ ngược xuôi trên các chặng đường, chứng kiến những cuộc bứt tốc của các nhà xe trong đêm.

Vụ tai nạn nghiêm trọng do xe Thành Bưởi vượt tốc độ trên quốc lộ 20 cách đây ba tuần những tưởng sẽ làm cho các tài xế cẩn trọng hơn, xe vi phạm tốc độ sẽ ít hơn. Nhưng không, các chuyến xe đò vẫn liên tục phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ trong một cuộc đua bất tận trên các cung đường đẩy mạng sống của hành khách vào vòng nguy hiểm.

Những cuộc đua về đêm

Đêm 12-10, chúng tôi có mặt trên xe giường nằm của nhà xe Thành Bưởi từ TP.HCM đi TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Cầm trên tay “phiếu thông tin cá nhân” sau khi đã thanh toán 400.000 đồng/một phòng nằm, chúng tôi bắt đầu hành trình năm giờ di chuyển với xe 51B-281…, do tài xế tên Đức điều khiển. Cùng đi có 17 hành khách khác. Hơn 23h20, xe bắt đầu lăn bánh, cũng là lúc tài xế Đức đeo tai nghe nói chuyện điện thoại với một ai đó.

Chỉ trong chốc lát, xe đã vào cao tốc, tài xế vẫn không ngừng nói chuyện điện thoại dù đang chạy với tốc độ cao. Chưa đầy một tiếng sau, xe đã rời khỏi cao tốc, băng qua quốc lộ 1 và rẽ vào quốc lộ 20 hướng về tỉnh Lâm Đồng.

Quốc lộ 20 là đường hai chiều, không có dải phân cách, theo quy định xe khách trên 30 chỗ ngồi chỉ được chạy tối đa 50km/h trong khu vực đông dân cư và 70km/h đối với khu vực thưa thớt dân cư. Nhưng dường như quy định này không có nghĩa lý gì với tài xế xe Thành Bưởi mà chúng tôi đang đi.

Theo đối chiếu dữ liệu GPS từ cơ quan có thẩm quyền và xác nhận thêm từ đơn vị quản lý hệ thống biển báo trên đường, cho thấy tài xế Đức liên tục chạy với tốc độ rất cao. Đơn cử như tại km123+300 qua phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), thuộc khu vực có biển báo khu vực đông dân cư (tốc độ tối đa 50km/h) nhưng xe chạy đến 59km/h.

Tại km163+500 quốc lộ 20 thuộc xã Đinh Lạc (Di Linh, Lâm Đồng) là phạm vi ngoài khu vực đông dân cư (tốc độ tối đa 70km/h) nhưng tốc độ xe chạy đến 94km/h.

Tại km196+000 quốc lộ 20, qua xã Phú Hội (Đức Trọng) thuộc phạm vi ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ xe lên tới 91km… và vô số lần xe vượt 5km/h so với tốc độ tối đa.

Lúc 2h20 hôm sau, khi đến huyện Đạ Huoai, tài xế Đức cho xe chạy chậm hơn vì có nhiều xe cùng chạy qua khu vực đông dân. Tốc độ xe có phần chậm hơn khi đến đoạn đèo Bảo Lộc do lưu lượng xe đổ về hướng Đà Lạt đông, nhưng tài xế này vẫn cố “lách”. Có những đoạn cua khúc khuỷu, tầm nhìn hạn chế, cấm vượt (vạch liền), tài xế Đức vẫn cho xe vượt cùng lúc với nhiều xe khác. Và nếu sơ suất, việc “đối đầu” với xe đi theo chiều ngược lại hoàn toàn có thể xảy ra.

Sau chuyến xe Thành Bưởi, phóng viên Tuổi Trẻ lên các xe của Hợp tác xã xe du lịch và vận tải Thiên Phúc – đơn vị vận tải đứng đầu bảng xếp hạng nhiều xe vi phạm tốc độ.

Khoảng 20h ngày 18-10, chuyến xe khách Q.D. của nhà xe này lăn bánh từ bến xe Ngã Tư Ga (quận 12) với điểm cuối là Đắk Lắk. Khi đi qua địa phận huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), tài xế đột ngột nhấn ga vượt qua các xe khác trên đường. Chúng tôi đã sử dụng ứng dụng đo tốc độ trên điện thoại di động và ghi nhận tốc độ xe lên tới 70 – 85km/h.

Đặc biệt khoảng 23h45, khi đến khu vực huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), xe này nhiều lần vượt nhanh, “tạt đầu” các xe khác mặc dù chiều rộng đường rất khiêm tốn.

Hai ngày sau chúng tôi lên một xe khách của hợp tác xã này về Tây Nguyên. Ngoài việc ghi nhận tài xế này vừa đeo tai nghe, gọi video call, tốc độ xe có lúc vượt xa giới hạn được quy định bởi biển báo giao thông dọc đường.

Những chuyến xe khách vẫn liên tục phóng nhanh, vượt ẩu, quá tốc độ nhiều lần như trong cuộc đua vô hình đầy hiểm nguy, bất chấp những tai nạn nghiêm trọng mới vừa xảy ra cướp đi sinh mạng nhiều người.

Một tài xế của nhà xe X.H (thuộc Hợp tác xã xe Thiên Phúc) vừa lái xe vừa gọi điện thoại (video call), thỉnh thoảng lại tăng tốc độ bất ngờ – Ảnh: C.T.

“Thu hồi càng chậm càng tốt”

Vấn nạn xe chạy quá tốc độ gây tai nạn chết người một lần nữa lại được làm nóng tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông toàn quốc chín tháng đầu năm vào ngày 10-10. Thực trạng nhức nhối đến nỗi tư lệnh ngành giao thông vận tải nhấn mạnh cần phải chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, từ chuyện thu hồi giấy phép cho đến cấm kinh doanh những nhà xe liên tục vi phạm bởi vì quá coi thường pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi: Xe Thành Bưởi trong vụ tai nạn có nhiều vi phạm, chỉ trong chín tháng mà bị tước phù hiệu tới 246 lần. Như vậy, việc tước phù hiệu có còn hiệu quả hay không?

Theo thống kê của ngành giao thông, cả nước hiện có 1 triệu xe kinh doanh vận tải gắn GPS và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để máy chủ phân tích, lọc xe vi phạm. Dữ liệu này sau đó mới chuyển cho địa phương xử lý. Mỗi tháng, nếu nhà xe vi phạm quá 5 lần/1.000km (không tính trường hợp vượt tốc độ 5km/h) sẽ bị tước phù hiệu, cấm chạy.

Nói thì nhanh nhưng thực tế dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam về đến các địa phương mất từ 1 – 2 tháng, thậm chí có nơi ba tháng sau mới có dữ liệu.

Giải thích điều này, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng chậm là do khối lượng dữ liệu đồ sộ cộng với việc máy chủ lạc hậu. Chính vì vậy mới có chuyện tréo ngoe, đơn vị trực tiếp xử phạt lại phải chờ Cục Đường bộ Việt Nam trả dữ liệu, còn xe vi phạm vẫn tung hoành tiếp trên đường nhiều tháng sau đó.

Trả lời Tuổi Trẻ về các vi phạm này, ông Đào Công Đông – giám đốc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải Thiên Phúc – thừa nhận số lần vi phạm được ghi nhận từ dữ liệu GPS là chính xác, và nhận lỗi sai. Ông Đông cho biết hợp tác xã có khoảng 50 xe giường nằm hoạt động theo tuyến cố định, bán vé tại các bến xe ở TP.HCM.

Về nguyên nhân vi phạm, ông Đông nói: “Do cái nết chạy của tài xế chưa sửa đổi. Ngoài ra, các xe cố tình chạy nhanh để cạnh tranh nguồn khách với nhau. Chạy nhanh thì rước được thêm vài ba khách, chậm một chút xe khác “vớt” luôn”.

Ông Đông còn chỉ ra một nguyên nhân khác được các tài xế phản ảnh là cơ quan chức năng cần rà soát lại một số vị trí báo hiệu, biển báo khoảng cách cho phù hợp, tránh xuất hiện quá đột ngột.

“Hợp tác xã cũng đã nhắc nhở, la rầy tài xế và chấn chỉnh rất nhiều lần. Thực sự là mỗi lần vi phạm hợp tác xã rất khổ vì phải làm đi làm lại biên bản giải trình”, ông này nói. Theo quy định, sau khi bị tước phù hiệu, nhà xe sẽ nộp lại, làm biên bản chấn chỉnh và có thể xin cấp lại phù hiệu để chạy. Thông thường từ lúc bị thu hồi phù hiệu và xin cấp lại chỉ trong vòng một tuần.

Trả lời câu hỏi về việc dữ liệu xe vi phạm được Cục Đường bộ gửi địa phương có độ trễ từ 1 – 2 tháng khiến một số xe hợp tác xã vi phạm chồng chất, ông Đông nói thẳng: “Thôi, càng chậm càng tốt, càng quên càng hay. Tháng 7 xe mình vi phạm, tới tháng 9 cơ quan chức năng mới bắt lỗi, cấm chạy thì đỡ. Trong thời gian chờ ra quyết định tước phù hiệu, xe vẫn được chạy chở khách, có tiền trả nợ”.

Cần thêm chế tài xử phạt tài xế

Còn theo ông Khương Kim Tạo – nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chính vì thời gian thống kê và chuyển về để các địa phương xử lý vẫn còn hạn chế nên mới tích tụ những vụ vi phạm giao thông theo kiểu chồng chất. Lẽ ra cơ quan chức năng nên xử lý vi phạm trong thời gian ngắn hoặc ngay lập tức, vi phạm lần nào thì xử lý ngay lần đấy, vi phạm bao nhiêu lần thì xử lý bấy nhiêu.

“Về vấn đề tước phù hiệu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vì xe không có lỗi, lỗi là do người cầm lái. Vì vậy cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định phải phạt tiền người cầm lái để họ tự thay đổi hành vi vi phạm của mình. Đồng thời phạt tiền cả hợp tác xã, đơn vị quản lý các tuyến xe để họ thay đổi thái độ quản lý”, ông Tạo nói.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay dữ liệu GPS chỉ quy định để thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Như vậy việc vi phạm tốc độ này chỉ mới bị xử lý về điều kiện kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh vận tải, chưa xử phạt hành chính (phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn) đối với người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ.

Đối với việc xử phạt chạy quá tốc độ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông, căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính chạy quá tốc độ có thể từ các nguồn như: tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình) hoặc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy định xử phạt vi phạm chạy quá tốc độ đối với lái xe theo trích xuất dữ liệu từ thiết bị GPS của xe vi phạm tốc độ.

“Do đó, để nâng cao an toàn giao thông thì nên sớm có quy định cho phép liên thông dữ liệu này đến Cục Cảnh sát giao thông và phòng cảnh sát giao thông các tỉnh thành để các đơn vị này có thể sử dụng làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc này để kịp thời xử phạt chế tài đúng đối tượng vi phạm”, luật sư Nhật nói.

Quy định đi thụt lùi!

Tại cuộc hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chín tháng đầu năm vào ngày 10-10, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho hay quy định về thu hồi phù hiệu còn một số tồn tại.

Cụ thể, nghị định 86 trước đây quy định thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ từ 1 – 2 tháng. Xe vi phạm bị tước phù hiệu thì hai tháng sau mới được cấp lại.

Tuy nhiên, khi sửa đổi nghị định 10/2020 đã không quy định việc này. Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi, vì vậy doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại. Quy định thụt lùi so với trước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quản lý chưa được hiệu quả. Cục cũng đã đề xuất sửa đổi.

Con số “khủng khiếp” về số lần vi phạm tốc độ của các nhà xe

Tuổi Trẻ đã thu thập và xác minh các số liệu để thống kê 10 đơn vị vận tải tại TP.HCM có số lần vi phạm nhiều nhất trong bốn tháng: 3, 5, 6, 7 (xem biểu đồ).

Số lần đơn vị, hợp tác xã vận tải vượt tốc độ trong 4 tháng (3,5,6,7) – Dữ liệu: ĐỨC PHÚ – Đồ họa: N.KH.

Đơn vị có xe vi phạm tốc độ đứng số 1 ở TP.HCM là Hợp tác xã xe du lịch và vận tải Thiên Phúc. Chỉ trong bốn tháng, các xe của hợp tác xã này đã vượt tốc độ tổng cộng khoảng 52.000 lần (không tính các trường hợp vi phạm dưới 5km/h).

Căn cứ vào số lượt vi phạm theo các tháng cho từng xe, cơ quan chức năng đã tước 109 phù hiệu. Đáng chú ý, một số xe của đơn vị này có số lần vi phạm tốc độ rất lớn. Chẳng hạn tháng 5-2023 xe 51B285… vi phạm 2.087 lần, xe 51B283… vi phạm 2.308 lần. Điển hình có những xe bốn tháng vi phạm tốc độ tổng cộng 6.535 lần.

Xếp sau Thiên Phúc là xe của Công ty TNHH Thành Bưởi (loại hình hoạt động chủ yếu xe hợp đồng) và Chi nhánh Hợp tác xã vận tải xe Hồng Hà (loại hình container) cùng có lượt vượt tốc độ hơn 35.000 lần. Sau đó, các đơn vị container, xe tải cũng đứng vào top 10 như Hợp tác xã dịch vụ vận tải Thiên Ý hơn 30.500 lần, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Vạn Phát 27.800 lần, Hợp tác xã vận tải GPS Lộc Phát 23.800 lần…

Cục Đường bộ có vô can?

 

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra và ghi nhận lại “hộp đen” gắn trên các xe khách – Ảnh: MINH HÒA

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho hay việc lắp đặt thiết bị GPS với mục đích thông qua công nghệ có thể ngăn chặn, xử lý các xe vi phạm giúp kiềm chế tai nạn giao thông. Việc này đã áp dụng 10 năm qua, hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng tình và chấp hành.

Hiện nay, mỗi năm các doanh nghiệp đang chi 1.000 tỉ đồng để truyền dữ liệu, chưa kể các chi phí lắp thiết bị, bảo trì duy tu. GPS cả triệu xe đang truyền về Cục Đường bộ Việt Nam có khối lượng dữ liệu xử lý rất lớn, máy chủ lại chưa được nâng cấp để ngăn chặn tức thì xe quá tốc độ. Thiết bị GPS tiêu tốn cả ngàn tỉ đồng không phải để “làm cảnh”, Cục Đường bộ và Bộ Giao thông vận tải phải trả lời người dân về vấn đề này.

“Với dữ liệu khổng lồ như trên không có bộ máy nào của cục có thể kham nổi. Việc cần làm ngay lúc này là chuyển dữ liệu về cho các địa phương quản lý, tự thiết lập hệ thống để ngăn chặn các xe vi phạm kịp thời.

Dữ liệu này có thể kết nối trực tiếp trung tâm giao thông thông minh và kết nối với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương. Qua thiết bị, khi thấy xe vi phạm, lực lượng chức năng có thể xử lý ngay. Cục có thể đưa ra tiêu chí, quy định để triển khai đồng bộ và gắn trách nhiệm của địa phương”, ông Tính nói.

Các nước kiểm soát tốc độ xe như thế nào?

Châu Âu luật hóa việc lắp thiết bị giới hạn tốc độ xe

Theo luật pháp tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng đã phê chuẩn, kể từ ngày 6-7-2022, mọi nhà sản xuất xe hơi bán tại châu Âu buộc phải tích hợp công nghệ hạn chế tốc độ thông minh có tên chính thức là Intelligent Speed Assist (hay Assistance – gọi tắt là “ISA”) trên xe. Hệ thống này sẽ gồm có một thiết bị lưu trữ dữ liệu hành trình.

Theo thông tin trên chuyên trang về xe hơi Parkers của Anh, thiết bị lưu dữ liệu hành trình này sử dụng kết hợp dữ liệu GPS và dữ liệu từ các cảm biến trên xe để xác định tốc độ xe chạy, vị trí của xe, cũng như mức độ nhấn phanh hay góc cua của người lái. Do đó nếu những dữ liệu này đủ để chứng minh người lái đã điều khiển xe quá nhanh hay cua quá ẩu, họ có thể bị truy tố trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng.

Nhờ sự kết hợp giữa tính năng nhận biết biển báo đường bằng các cảm biến và dữ liệu điều hướng GPS của hệ thống ISA, chiếc xe sẽ “tự biết” được tốc độ quy định của tuyến đường và không cho phép tài xế vượt quá giới hạn đó trong vài giây.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn, nếu dữ liệu hộp đen trên xe cho thấy hệ thống ISA đã bị tắt và xe đi quá tốc độ, ngoài việc bị xử lý sai phạm theo pháp luật, người lái cũng có thể không được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Theo trang Carwow, tại Anh, mức phạt tối thiểu khi phạm luật về tốc độ lái xe là 100 bảng Anh và có thể bị trừ 3 điểm trên bằng lái. Mức phạt này có thể tăng thêm nữa tùy thuộc tốc độ vượt quá bao nhiêu.

Đồ họa mô phỏng cách thức hoạt động của công nghệ nhận biết tốc độ quy định với xe từ biển báo giao thông bên đường của hệ thống ISA – Ảnh chụp lại màn hình của trang Parkers

Thái Lan kiểm soát tốc độ xe bằng GPS từ 2017

Từ năm 2017, Cục Giao thông đường bộ Thái Lan đã hợp tác với Tập đoàn công nghệ viễn thông True Corporation của nước này phát triển hệ thống giám sát định vị toàn cầu (GPS) để gắn trên khoảng 800.000 phương tiện (gồm: xe tải, taxi, xe hơi) kinh doanh vận tải trên toàn quốc.

Hệ thống GPS được triển khai nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và kho vận, cải thiện mức độ an toàn nhờ vào tính năng cho phép giám sát tốc độ xe trên hệ thống. Việc gắn GPS được thực hiện dần theo lộ trình vài năm, nhưng trong năm đầu tiên là khảng 300.000 xe.

Theo báo Nation, các xe sẽ được gắn hệ thống giám sát (sử dụng SIM 3G, 4G) và hệ thống định vị GPS sẽ được thiết lập tại Cục Giao thông đường bộ và các văn phòng của cục này tại mọi tỉnh thành trên cả nước.

Vào thời điểm đó, Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Thái Lan Sanit Phromwong cho rằng hệ thống GPS rất hữu dụng với công chúng cũng như với ngành giao thông vận tải. “Thường thì các tài xế điều khiển xe công cộng không gắn GPS sẽ chạy quá tốc độ cho phép. Nhưng với những xe có gắn hệ thống giám sát, chỉ khoảng 5% số tài xế được phát hiện đã đi quá tốc độ quy định – ông Sanit Phromwong giải thích – Theo đó, hệ thống giám sát GPS sẽ khiến tài xế chú ý hơn tới tốc độ được phép chạy và điều này giúp giao thông công cộng an toàn hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *