Để bảo vệ môi trường sống và cũng để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), TPHCM đã có nhiều nỗ lực “xanh hóa” hoạt động giao thông vận tải.
Khởi đầu…
Ngày 22-7-2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định 876/QĐ-TTg về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới tại địa phương.
Nội dung liên quan đến phương tiện sử dụng điện được triển khai trong giai đoạn 2022-2030 gồm: Thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông cá nhân (mô tô, xe gắn máy, ô tô) sử dụng điện; thúc đẩy doanh nghiệp vận tải buýt, taxi chuyển đổi sang ô tô điện.
Xe buýt CNG sử dụng nguyên liệu sạch bảo vệ môi trường phục vụ khách tại trung tâm thành phố
Thực hiện chỉ đạo này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM thông tin, sở đang phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố; dự kiến trong tháng 4-2024 sẽ hoàn thành và trình UBND TPHCM ký duyệt.
Qua thống kê, hiện TPHCM có khoảng 2.089 xe buýt hoạt động, trong đó có 489 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG và 12 xe buýt điện. Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2030 tổng lượng xe được chuyển đổi là 1.874 xe, trong đó chuyển 992 xe buýt sử dụng dầu diesel sang năng lượng xanh.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, căn cứ theo công văn số 10250/ BGTVT-VT của Bộ GTVT, thành phố đã thí điểm đưa 5 tuyến xe buýt điện với 77 xe vào hoạt động. Ngoài tuyến D4 (Khu dân cư Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) đang hoạt động thì trong năm 2024, Công ty VinBus dự kiến triển khai 4 tuyến còn lại. Hiện nay, phương tiện giao thông điện đang hoạt động tại TPHCM chủ yếu là xe hai bánh (xe đạp điện và xe máy điện) với số lượng khoảng 12.575 xe, chiếm tỷ lệ 0,16% trên tổng lượng xe hai bánh trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu khảo sát của đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng “Kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng phương tiện điện cho TPHCM”, nhu cầu mua xe điện trong tương lai của người dân thành phố khoảng 13,17%. Số lượng người muốn mua xe đạp điện là 12,93%; 74,63% người muốn mua xe máy điện và 12,44% muốn mua ô tô điện. Nếu chính xác theo nghiên cứu này, xe máy điện sẽ là phương tiện chính mà người dân hướng tới trong kế hoạch mua sắm.
Mạnh dạn đổi mới cách làm
Mục tiêu của Bộ GTVT là đến năm 2030 sẽ giảm 90% phát thải, đồng thời tỷ lệ giao thông công cộng đạt 25%. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý quy định về tiêu chuẩn vận hành, các chính sách áp dụng, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính… dành cho các doanh nghiệp vận tải nên các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi vận tải xanh.
Đơn giá định mức xe buýt sử dụng điện đang trong quá trình xây dựng. Giá thành của phương tiện chạy bằng điện còn cao, gấp 3 lần so với xe buýt sử dụng dầu diesel. Do đó, để các đơn vị vận tải mạnh dạn đầu tư thay đổi sang phương tiện sử dụng điện, rất cần có sự hỗ trợ về thuế, vốn vay… Ngoài ra, để phát triển dự án, TPHCM cần chuẩn bị khả năng cung ứng một nguồn điện lớn phục vụ cho việc chuyển đổi, đảm bảo sự ổn định về hệ thống lưới điện.
Hiện thành phố chỉ có 3 trạm nạp điện đặt tại Bến xe An Sương, bãi xe buýt trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình) và bãi xe buýt tại Đại học Quốc gia (TP Thủ Đức). Theo ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Vận tải, số lượng trạm nạp như vậy là rất ít, gây khó khăn trong quá trình nạp, chưa kể cự ly đi lại để nạp lớn, vừa mất thời gian và tăng chi phí lưu bãi cho chủ xe… Thành phố hiện có khoảng 19 bến bãi phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt có thể đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc và tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng cho xe điện.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM Lê Trung Tính đề xuất cần có cơ chế ưu đãi đầu tư về cơ sở hạ tầng như trạm nạp điện. Mặt khác, bên cạnh kế hoạch thay đổi sang sử dụng xe buýt điện, ông Lê Trung Tính cũng đề nghị thành phố nên tiếp tục cho phép và tạo điều kiện cho xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động. Vì đây cũng là một dạng năng lượng sạch, đã được TPHCM đầu tư từ nhiều năm nay và vẫn còn nhiều xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động rất tốt.
Liên hiệp HTX Vận tải cũng kiến nghị Sở GTVT tiếp tục cho phép sử dụng xe buýt nhiên liệu CNG trên các tuyến đã đầu tư vì là loại xe buýt xanh, sạch theo quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Việc lưu dụng các xe buýt CNG hiện hữu giúp tiết kiệm một nguồn kinh phí lớn cho xã hội và đảm bảo sự an tâm cho các doanh nghiệp đã đầu tư loại xe này”, ông Phùng Đăng Hải nói.
Với thực tế trên, Sở GTVT thành phố đề xuất lộ trình chuyển đổi năng lượng gồm 3 giai đoạn: Từ năm 2023-2030 tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; giai đoạn 2030-2040, đẩy nhanh tốc độ phát triển giao thông năng lượng xanh trên địa bàn thành phố; từ năm 2040-2050 đạt tăng trưởng ổn định.
HẢI NGỌC – Báo SGGP