Cần quy định rõ lúc nào thì CSGT được phép truy đuổi người vi phạm
(PLO)- Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về đề xuất cảnh sát giao thông (CSGT) được truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) vừa trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều điểm mới.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép lực lượng CSGT được truy đuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy. Quy định này nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Cần quy định cụ thể hành vi để tránh lạm quyền
Trao đổi với PV, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cho phép lực lượng CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, một số luật liên quan cho phép lực lượng này được phép truy đuổi khi các hành vi vi phạm mà bản thân nó đã xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe người khác.
Về quy định của dự luật, TS. Khương Kim Tạo cho rằng quy định lực lượng CSGT có quyền truy đuổi hành vi vi phạm giao thông là cần thiết, nhưng quy định như dự luật là chưa phù hợp.
Thay vào đó, chúng ta cần quy định cụ thể những trường hợp nào lực lượng chức năng được truy đuổi, trường hợp nào không được.
Bộ Công an đề xuất CSGT được truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy. Ảnh: P.HÙNG
Ông đề nghị dự luật nên thiết kế theo hướng cho phép lực lượng CSGT thực hiện quyền truy đuổi đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Chẳng hạn, hành vi điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn, chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc…
Với các hành vi như không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn… TS. Tạo đề nghị nên sử dụng các biện pháp như phạt nguội hoặc áp dụng công nghệ để thông báo cho những tổ tuần tra khác trên đường “đón lõng” và xử phạt người vi phạm.
“Tất nhiên, các hành vi trên cũng là vi phạm giao thông nhưng không đến mức nguy hiểm cho xã hội thì chúng ta không nên quy định truy đuổi. Bởi lẽ, truy đuổi những trường hợp trên vừa tốn sức cho lực lượng chức năng, đồng thời dễ dẫn đến tai nạn cho người tham gia giao thông lẫn CSGT vì người vi phạm có thể manh động, dùng vũ khí gây nguy hiểm cho lực lượng truy đuổi” – ông Tạo góp ý.
Việc quy định các hành vi được truy đuổi vào luật và cụ thể bằng các văn bản dưới luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho lực lượng CSGT thực thi công vụ.
Đây cũng là cơ sở cho chúng ta tuyên truyền cho người tham gia giao thông, xây dựng môi trường giao thông an toàn, chuẩn mực. Chuẩn mực tôi nói ở đây là cả về góc độ người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật.
- Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia
Đồng quan điểm, một chuyên gia giao thông cho rằng đây là vấn đề cần phải cân nhắc cẩn trọng, bởi có nhiều trường hợp bị truy đuổi dẫn đến tai nạn chết người, thậm chí người thực thi công vụ cũng bị tai nạn.
“Chúng ta phải quy định thật cụ thể và chi tiết trường hợp nào được truy đuổi, tránh việc lạm dụng, lạm quyền và gây ra những hậu quả lớn hơn cái hậu quả mình muốn ngăn chặn”- vị chuyên gia này phân tích.
Xử phạt nguội là tốt nhất
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM, luật trên thế giới, đặc biệt ở các nước văn minh luôn luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu.
“Họ hướng thiện và giáo dục nhiều hơn là trừng phạt. Đối với phạt về vi phạm giao thông mang tính chất trật tự, an toàn giao thông thôi, không nên truy đuổi”- ông Tính đánh giá.
Ông Tính cho rằng việc truy đuổi có thể làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông, người bỏ chạy và cả lực lượng chức năng truy đuổi.
Việt Nam đang tăng cường hình thức phạt nguội, đây là hình thức văn minh, lịch sự, áp dụng công nghệ khoa học trong lĩnh vực này. Trừ trường hợp mang tính chất cấp bách cần xử lý tại chỗ mới không xử lý phạt nguội, còn không áp dụng phạt nguội là tốt nhất.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với quy định cho CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông và được phép sử dụng vũ khí khi bị người vi phạm tấn công. Lý do là hiện nay có nhiều trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
“Một số ý kiến e ngại trong quá trình sử dụng công cụ hỗ trợ, biện pháp phòng vệ sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng nhưng thực ra trong Luật sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ cũng đã quy định rất rõ phạm vi sử dụng, đối tượng sử dụng, cũng như là hình thức sử dụng. Vì vậy, tôi cho rằng nếu thực hiện tốt, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm thì chúng ta không lo sự lạm quyền” – ĐBQH nêu quan điểm.
Còn ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), cho rằng khi xảy ra sự việc người vi phạm chạy trốn hoặc chống đối lại CSGT sẽ gây nguy hiểm cho người khác, nên cần cho phép lực lượng CSGT đang thực thi hành công vụ được xử lý trực tiếp.
“Chúng ta chỉ có thể phạt nguội khi có camera quay lại, còn nếu không ghi được hình ảnh sẽ không xử lý được vi phạm. Cần thận trọng khi đưa vào quy định nhưng nếu thận trọng quá sẽ dẫn đến bế tắc không xử lý được các vi phạm…”- ĐBQH Vĩnh Phúc nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai), cho rằng điều quan trọng với lực lượng tuần tra, chốt chặn xử lý giao thông là phải có phương án đảm bảo an toàn cho người thi hành công vụ, cho người tham gia giao thông và cho cả người vi phạm.
“CSGT phải đánh giá được tình huống và xử lý làm sao để ngăn chặn được vi phạm nhưng cũng không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Khi nhận thấy truy đuổi không an toàn thì CSGT phải dùng phương pháp khác hiệu quả hơn” – ông Quang nói.
Đã có vụ việc CSGT truy đuổi khiến người vi phạm tử vong
Ngày 23-5, xe của CSGT – trật tự TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đuổi theo một thanh niên đi ô tô, khi tới tuyến đường Văn Công Khai, thuộc phường Phú Cường, ô tô nói trên lao vào một số xe máy trên đường. Vụ va chạm khiến một người đi đường bị thương nặng, tài xế bị lực lượng chức năng khống chế.
Ngày 14-12-2023, một CSGT Bàn Cờ sử dụng mô tô đặc chủng truy đuổi và đạp ngã xe máy do một nam thanh niên điều khiển trên đường 3/2, gần khu vực Rạp hát Hòa Bình, quận 10, TP.HCM. Vụ việc gây bức xúc dư luận.
Ngày 13-12-2022, một tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1. Khi qua địa phận ấp 1, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, tổ này phát hiện một xe máy có dấu hiệu khả nghi liền ra hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng người điều khiển không dừng xe. Tổ công tác đã cử bốn người đi trên hai mô tô đuổi theo.
Khi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu khoảng 500m, xe máy bị nghi vấn lấn sang phần đường bên trái, va chạm trực diện với một xe tải đang lưu thông ngược chiều. Vụ việc khiến một trong hai người trên xe máy nghi vấn tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương được tổ công tác đưa đi cấp cứu.
Báo Pháp Luật
VIẾT LONG – TRỌNG PHÚ – THY NHUNG