Thu phí đường cao tốc: Cần hài hòa, minh bạch
Thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư không vì lợi nhuận mà để phục vụ công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư với các mức thu khác nhau, tùy từng nhóm, loại xe và tuyến đường lưu thông. Dự thảo nghị định được xây dựng nhằm hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Sẽ thu phí 12 tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 12 dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đó là các tuyến: Lào Cai – Kim Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, TP HCM – Trung Lương, Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Số lượng dự án đường cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025, khi 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025) hoàn thành. Cụ thể, đó là các tuyến: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Binh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau.
Theo dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư, mức phí thấp nhất là 900 đồng, cao nhất là 6.000 đồng/km
Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỉ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%. Nhân lực quản lý, vận hành đường cao tốc cũng đang là bài toán khó, khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành.
Thu phí thấp nhất 900 đồng, cao nhất 6.000 đồng/km
Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, mức thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư thấp nhất là 900 đồng, cao nhất là 6.000 đồng/km – tùy từng nhóm, loại phương tiện và tuyến đường.
Việc thu phí sẽ được triển khai khi bảo đảm 3 điều kiện: Công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị bảo đảm công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.
Đối với tuyến đưa vào khai thác trước ngày 1-1-2025 mà chưa đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc thì việc thu phí được triển khai khi đã hoàn thành thi công và lắp đặt xong trạm thu phí.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng mức thu phí phải bảo đảm hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Song song đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với nhà nước. Mức thu này thấp hơn lợi ích mà người sử dụng đường cao tốc thu được.
Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mức phí đối với các tuyến cao tốc được đầu tư đồng bộ theo quy chuẩn. Cụ thể, với đường cao tốc có 4 làn xe, mức phí thấp nhất là 1.300 đồng, cao nhất 5.200 đồng/km. Với đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, mức phí thấp nhất là 1.500 đồng, cao nhất 6.000 đồng/km.
Với tuyến cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1-1-2025 mà chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom…), mức phí như sau: Đường có 4 làn xe hạn chế, mức phí thấp nhất 900 đồng, cao nhất 3.600 đồng/km; đường có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục, mức thấp nhất 1.000 đồng, cao nhất 4.000 đồng/km; đường có 4 làn xe trở lên, mức thấp nhất 1.100 đồng, cao nhất 4.400 đồng/km.
Với phương án như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, số tiền thu được có thể đạt 3.210 tỉ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.
Tính toán 2 phương án thu
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết nghị định xây dựng theo hướng chất lượng dịch vụ đường cao tốc tương ứng với mức thu. Đường bảo đảm các tiêu chuẩn sẽ có mức phí khác với đường chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí nhằm mục đích phục vụ công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
“Chúng tôi đang nghiên cứu 2 hình thức thu phí: Nhà nước tự tổ chức thực hiện hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý và khai thác theo mô hình O&M (kinh doanh – quản lý)” – ông Thái thông tin.
Theo ông Thái, với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý đường cao tốc là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Qua đấu thầu, cơ quan này sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu “nhặt dần”, sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách.
Hình thức thứ hai là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hợp đồng O&M. Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền. Phương án này có nhiều ưu điểm, song với tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đánh giá mô hình O&M có nhiều ưu điểm, như nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới. Vấn đề là làm sao chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị.
“Với các tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông thấp, cần xây dựng mức giá phù hợp, thời gian thu phí có thể dài hơn, bảo đảm khả thi phương án tài chính cho nhà đầu tư” – PGS Chủng gợi ý.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng nếu chọn hình thức O&M thì cần đa dạng và linh hoạt bởi không có tuyến cao tốc nào giống nhau. Nhà nước có thể lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính để bán quyền thu phí trong một thời gian nhất định, tùy theo tính chất từng tuyến cao tốc. Cũng có thể lựa chọn nhà thầu thực hiện việc quản lý, vận hành, thu phí; sau đó thanh toán kinh phí định kỳ theo quý hoặc theo năm.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất nên kết hợp cả 2 phương án thu phí trong dự thảo nghị định. Cụ thể, với tuyến đường đông đúc, lượng xe nhiều, có thể bán quyền thu phí; với tuyến lưu lượng giao thông thấp thì nhà nước đứng ra thu.
Ông PHẠM VĂN THỊNH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Nhà nước nên trực tiếp thu phí
Việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, dù áp dụng phương án nào cũng cần lưu ý nguyên tắc công khai, minh bạch về số phí thu được, chi phí vận hành. Tôi nghiêng về phương án nhà nước đứng ra thu trực tiếp, chỉ nên thuê đơn vị vận hành thu phí, sau đó trả bằng tỉ lệ phần trăm.
Phương án bán hẳn quyền thu phí sẽ khó thu hút nhà đầu tư trong nước. Bởi lẽ, số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để đấu thầu quyền thu phí là rất lớn.
ThS LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP HCM:
Mức phí đừng tạo gánh nặng
Ở một số quốc gia, đường cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư thì người dân được hưởng lợi. Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế còn eo hẹp, thiếu kinh phí để mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, thì việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư theo tôi là hợp lý. Khi đường cao tốc đưa vào sử dụng, người dân và doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng lợi vì rút ngắn thời gian, chi phí đi lại.
Tuy nhiên, khi tiến hành thu phí, cần lưu ý mức phí và thời gian thu nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp, người dân. Phí thu nên ở mức tương đối, thời gian thu cần kéo dài để không tạo gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp. Bởi hiện nay, giá cước vận tải của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước châu Á, chưa kể các doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều loại thuế, phí khác.
N.Thế – T.Hồng