(PLO)- Liên quan đến đề xuất mới của Bộ Công an về việc cấm người lái xe có nồng độ cồn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân.
Ngày 10-11 vừa qua, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Đáng chú ý, Điều 8 dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Không nên quá khắt khe
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng ở Việt Nam không nên quy định quá khắc nghiệt như vậy, nên theo các nước tiên tiến đã áp dụng và Luật giao thông đường bộ 2008 ở nước ta cũng đang áp dụng. Tức là chỉ phạt khi người lái xe vi phạm vượt quá mức độ cồn trong cơ thể theo quy định hiện hành 0,8 mlg/lít khí thở.
“Cái này hay hơn vì nó phù hợp với phong tục tập quán người Việt vì người nó cũng đi ăn giỗ, cưới hỏi, ma chay hiếu hỉ đều có sử dụng rượu, bia. Tôi nghĩ uống một chai bia thì không sao chứ uống vượt mức thì hẵng xử phạt”- ông Tính nêu quan điểm.
Cũng theo ông Tính, đề xuất này thiếu thực tế, gây khó khăn cho nhân dân và sự phát triển kinh tế. Hơn nữa cũng đã từng có trường hợp người dân ăn một số loại trái cây hoặc trái cây lên men khi thổi nồng độ cồn cũng hiện lên độ cồn nhẹ.
Đề xuất cấm người lái xe có nồng độ cồn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Ảnh: TN
Một giáo viên dạy lái xe tại TP.HCM cũng chỉ đồng tình một phần của đề xuất này, ông cho rằng nên áp dụng đối với người lái xe ô tô, còn đối với người đi xe máy thì không nên.
“Luật cũ của mình 0,25 miligam/lít khí thở, 40 miligam/100mililit máu là vi phạm. Hiện hành là người đi ô tô, xe máy không được quá 0,25 miligam/lít khí thở hoặc 50miligam/100mililit máu. Sau khi có luật chống rượu bia thì tất cả người điều khiển các loại phương tiện giao thông không được sử dụng rượu bia”- vị này chia sẻ.
Cũng theo vị giáo viên này, một số địa phương cũng có ý kiến nếu cấm rượu bia thì không phát triển được, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cũng rất nhiều ý kiến cũng cho rằng đề xuất này nghiêm khắc quá, chỉ nên hạn chế trong mức độ nào đó.
Ngay cả các nước phương tây cũng không cấm mà chỉ giới hạn. Vì vậy theo tôi uống rượu bia tuỳ từng người, có người một ly rượu đã say nhưng cũng có người không ảnh hưởng gì đến việc điều khiển phương tiện giao thông.
“Nếu cấm hoàn toàn thì ảnh hưởng đến nhiều thứ, do đó tôi nghĩ chỉ nên cấm đối với ô tô, còn xe máy thì chỉ giới hạn trong một khoảng nào đó”- vị này cho hay.
Không nên vì phong tục mời rượu, bia mà nhẹ tay
Anh Hồng Sơn, một tài xế xe công nghệ đồng tình với đề xuất này. Anh cho rằng không thể vì phong tục tập quán ở nước ta mà không nghiêm trị các “thần cồn”.
“Mỗi dịp lễ, tết hay thậm chí cuối tuần chúng ta có thể thấy các vụ tai nạn do người uống rượu bia gây ra rất nhiều. Việc này không những ảnh hưởng đến người điều khiển xe đã uống rượu bia mà còn ảnh hưởng tới người khác”- anh Sơn ý kiến.
Theo anh Sơn, khi uống rượu bia mọi người đều có thể nhờ người thân lái xe chở về hoặc sử dụng xe công nghệ, lái xe truyền thống ở các địa phương để đảm bảo an toàn.
Một tài xế khác cũng đồng quan điểm, anh đề xuất nghiêm trị cả đối với người lái xe máy chứ không riêng gì ô tô.
“Tôi cho rằng nhà nước nên có con số thống kê các vụ tai nạn do rượu, bia gây ra để có dẫn chứng thực tế hơn. Từ đó đưa ra giải pháp nghiêm trị phù hợp”- anh tài xế đưa ý kiến