Cần sớm “giải cứu” xe buýt chạy bằng năng lượng sạch
PNO – Hơn 15 năm trước, UBND TPHCM đã có chủ trương “xanh hóa” xe buýt. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 500 chiếc xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) hoặc bằng điện. Thế nhưng, các chủ đầu tư xe buýt chạy bằng năng lượng sạch đang than lỗ và ngán ngại đầu tư.
Chủ đầu tư xe buýt ngao ngán
Giữa năm 2010, ngành vận tải TPHCM cho chạy thí điểm 2 xe buýt CNG. Đến tháng 8/2011, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) đưa vào hoạt động 21 xe buýt CNG. Năm 2014, UBND TPHCM phê duyệt đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới giai đoạn 2014-2017, trong đó có 300 xe 80 chỗ ngồi chạy bằng CNG. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, đơn vị đầu tư loại xe buýt này tỏ ra ngán ngẩm.
Đại diện Saigonbus cho hay, cả TPHCM chỉ có 3 trạm cung cấp CNG. Saigonbus có khoảng 150 xe buýt chạy bằng CNG, thời gian nạp khí mỗi xe khoảng 10-20 phút nên tài xế phải chờ nạp khí cho xe đến 23 – 24g. Khi trạm CNG gặp sự cố, việc nạp khí càng khó hơn. Ngoài ra, muốn bán lại xe chạy bằng CNG cũng rất khó bởi không phải địa phương nào cũng có trạm nạp khí.
Ông Phùng Đăng Hải – Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM – từng tích cực vận động các xã viên đầu tư xe buýt chạy bằng CNG nhưng nay tỏ ra chán nản. Ông cho biết, vừa qua, hợp tác xã không dự thầu một số tuyến xe buýt bởi nhận thấy khả năng thua lỗ rất cao, càng đầu tư xe mới, càng lỗ nặng. Giá mỗi chiếc xe chạy bằng CNG cao gấp đôi xe chạy bằng dầu nên khó cạnh tranh về giá thầu so với xe dầu. “Xe CNG của hợp tác xã đã sử dụng trên 10 năm rồi, không được tham gia đấu thầu nữa. Trước đây, kêu gọi xã viên đầu tư, ngành giao thông vận tải nói thời hạn sử dụng xe CNG là 20 năm, nay lại đổi ý” – ông bức xúc.
Bên cạnh phát triển xe buýt chạy bằng CNG, tháng 2/2022, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện, thời gian thí điểm là 24 tháng kể từ khi các tuyến này bắt đầu hoạt động. Ngày 9/3/2022 tuyến xe buýt điện D4 – do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đầu tư – được đưa vào vận hành. Xe buýt điện tuyến D4 được hành khách đánh giá cao về chất lượng xe, chất lượng phục vụ của tiếp viên, tài xế nhưng đang chạy thí điểm thì thua lỗ nên 4 tuyến còn lại chưa thể đi vào hoạt động.
Nhanh chóng ban hành chính sách khuyến khích
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ khi đi vào hoạt động, lượng hành khách và doanh thu vé bình quân mỗi chuyến xe buýt điện đều tăng. Tuy nhiên, theo VinBus, tỉ lệ trợ giá cho xe buýt D4 quá thấp (44,1%), chỉ bằng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng dầu diesel, CNG nên tính đến hết năm 2023, công ty thua lỗ hơn 33 tỉ đồng. Do đó, công ty đề nghị điều chỉnh tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%, bằng tỉ lệ trợ giá bình quân của các tuyến xe buýt năm 2023.
Ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM – cho biết, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước về đầu tư xe buýt năng lượng sạch. Cách đây 12 năm, thành phố đã có khoảng 700 chiếc xe chạy bằng CNG, nhiều nhất cả nước. Nhưng đến nay, do thiếu sự quan tâm của chính quyền thành phố, loại xe buýt này không thể phát triển. Hiện nay, xe buýt điện cũng trong tình trạng tương tự.
Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, được ban hành kèm theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, từ năm 2025, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, có 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, toàn thành phố đang có 2.087 chiếc xe buýt hoạt động, trong đó có 539 xe chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch (521 xe chạy bằng CNG, 18 xe chạy bằng điện).
Đại diện Saigonbus cho rằng, để các đơn vị mạnh dạn đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ngành giao thông vận tải cần phải tăng số trạm nạp, đồng thời có chính sách khuyến khích, chẳng hạn ưu đãi lãi suất vay vốn, thời gian thực hiện các gói thầu, thời gian sử dụng xe. Ông Lê Trung Tính cũng cho rằng, rất khó hiện thực hóa mục tiêu “từ năm 2025, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh”, bởi kinh phí mua xe rất lớn (2-3 tỉ đồng/xe buýt chạy bằng CNG, 6-7 tỉ đồng/xe buýt điện trong khi chính sách của cấp thành phố lẫn trung ương chưa đủ sức khuyến khích, thuyết phục nhà đầu tư.
Theo ông, chính quyền TPHCM cần nhanh chóng ban hành chính sách ưu đãi cho chủ các xe buýt chạy bằng năng lượng sạch. Trong lúc chờ các chủ trương của bộ, ngành trung ương, HĐND TPHCM có thể vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội (về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) để ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư loại xe buýt này, như dùng ngân sách thành phố hoặc hỗ trợ doanh nghiệp xây các trạm nạp CNG, nạp điện; hỗ trợ lãi suất mua phương tiện; có chính sách trợ giá ổn định; ưu tiên cho xe buýt khi lưu thông; cho phép những xe CNG trên 10 năm hoạt động, tham gia đấu thầu.
TPHCM dự kiến ban hành đơn giá xe buýt điện trong quý III/2024Liên quan đến đơn giá xe buýt, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã có văn bản gửi đơn vị tư vấn để góp ý báo cáo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện và dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý III/2024. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp các đơn vị liên quan để xác định khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn phát triển; trao đổi về các phương án đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn thành phố để báo cáo UBND TPHCM xem xét. |
Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư xe buýt thuần điện mới 100% ở TPHCMCông ty cổ phần Xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines vừa qua đã có văn bản gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên về việc đầu tư xe buýt thuần điện cho hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhằm góp phần thực hiện sớm lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm hành khách đi lại bằng xe buýt, công ty đưa ra 2 kiến nghị. Thứ nhất, kể từ ngày 10/5/2024, các hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM yêu cầu sử dụng xe buýt thuần điện mới 100%. Thứ hai, trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước ban hành định mức, đơn giá chi phí vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, cho phép sử dụng bộ đơn giá được quy định tại Quyết định số 3677 ngày 30/08/2019 của UBND TPHCM, cộng thêm mức chênh lệch nhiên liệu, chi phí nhân công tại thời điểm hiện nay để làm cơ sở tính giá gói thầu. Trường hợp UBND TPHCM ban hành chính thức đơn giá chi phí vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thuần điện, khi đó sẽ điều chỉnh lại giá gói thầu nhưng không vượt quá 25%. Theo Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang, với năng lực và tiềm lực sẵn có, đơn vị có thể sẵn sàng đầu tư mới xe buýt thuần điện, góp phần vào công cuộc đổi mới hệ thống giao thông đô thị tại TPHCM. Đồng thời, công ty cam kết cung ứng đủ số lượng xe buýt thuần điện cho hệ thống xe buýt TPHCM. Trước đó, đầu năm 2024, công ty đã tham gia hoạt động trên 17 tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM. |
Vũ Quyền