Xe buýt trường học, bao giờ?
Cần quy chuẩn riêng, tăng cường giám sát
Để hạn chế những rủi ro, việc ban hành quy chuẩn, thiết kế riêng cho xe buýt trường học cần sớm được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu ban hành
Sau bài viết “Xe buýt trường học, bao giờ?” của PGS-TS Phạm Xuân Mai đăng trên Báo Người Lao Động ngày 3-6, đã có nhiều ý kiến đồng tình về việc cần có quy chuẩn, quy định, thiết kế riêng cho loại xe buýt trường học.
Tăng cường kiểm tra xe đưa rước học sinh
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải – GTVT TP HCM), thông tin năm học 2023-2024, hoạt động đưa rước học sinh (HS) theo hình thức hợp đồng có trợ giá được tổ chức ở 11 trường trên địa bàn huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ với 22 phương tiện tham gia.
Đối với hoạt động đưa đón HS có trợ giá, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng kiểm tra giám sát trên cơ sở hợp đồng 3 bên giữa nhà trường, đơn vị vận tải và Trung tâm, với các điều kiện về vận chuyển và an toàn được quy định khá chặt.
Với hoạt động đưa đón HS theo hình thức không trợ giá thì do các cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.
Tuy nhiên, hoạt động của loại hình này cũng chỉ yêu cầu thực hiện theo quy định chung về kinh doanh vận tải đường bộ, không có quy định cụ thể cho loại hình hoạt động đặc thù này.
Xe buýt trường học, bao giờ?
Định kỳ mỗi năm, Sở GTVT đều có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng như các đơn vị vận tải đưa rước HS tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn đối với hoạt động này. Tuyệt đối không ký hợp đồng với đơn vị vận tải không đủ điều kiện và phương tiện không bảo đảm an toàn.
Ông Ngô Hải Đường cho biết Sở GTVT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường có sử dụng xe đưa rước HS tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho HS. Trong đó lưu ý các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp.
“Chúng tôi cũng giao Thanh tra sở phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với hoạt động vận chuyển xe đưa rước HS và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng tăng cường kiểm tra đột xuất điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, tiêu chuẩn lái xe đưa rước HS, giám sát hoạt động đưa rước HS qua thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe” – ông Ngô Hải Đường nói thêm.
Xe đưa rước học sinh cần có quy chuẩn, quy định riêng để bảo đảm an toàn cho học sinh
Tham mưu, đề xuất quy định riêng
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách du lịch và ô tô liên tỉnh TP HCM, cho rằng để bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi xe đưa rước HS, trước hết là trách nhiệm của lái xe, giáo viên phụ trách đưa đón. Tuy nhiên, để những sai sót của con người không ảnh hưởng đến tính mạng của HS, cần lưu ý đến thiết kế của phương tiện xe đưa rước HS.
Ví dụ ở Mỹ, mỗi năm, hàng loạt phương tiện ô tô đều cập nhật các mẫu mới, riêng xe buýt trường học là không thay đổi, phương tiện có màu vàng, được thiết kế trên nền xe tải, với các tính năng như hạn chế va đập khi xảy ra tai nạn, dễ quan sát từ xa, không trang bị kính liền, điều hòa mà dùng cửa sổ trượt, cửa chớp lật…
“Bộ GTVT nên xem xe đưa rước HS là nhóm xe chuyên dụng, cần nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn về thiết kế dành riêng cho loại hình này” – ông Tính nói.
Trong khi chờ bổ sung những quy chuẩn phù hợp, theo ông Lê Trung Tính, trước mắt các trường học cần xem lại hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng đưa rước HS, trong đó nêu rõ trách nhiệm của người lái xe, giáo viên trong việc kiểm tra, đưa đón trẻ lên và xuống xe. Song song đó, cần có bộ phận kiểm tra chéo số lượng HS trên xe đưa rước.
Còn theo ông Ngô Hải Đường, hiện chưa có quy định cụ thể đối với các loại phương tiện đưa đón HS, điều này cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
“Bộ GTVT cần sớm ban hành tiêu chuẩn hoặc quy định cụ thể cho hoạt động đặc thù đưa đón HS. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ rà soát các quy định để tham mưu, đề xuất với cấp trên sớm ban hành các quy định đối với hoạt động đưa đón HS trên địa bàn TP HCM” – ông Ngô Hải Đường cho hay.
Nhiều việc cần làm ngay
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đưa ra các biện pháp căn cơ, toàn diện để phòng ngừa, chấm dứt ngay tai nạn từ xe đưa rước HS.
Theo đó, ngoài tiêu chuẩn chung cần có thêm các quy định riêng biệt cho loại xe này nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, đặc biệt là chấm dứt tình trạng bỏ quên các cháu trên xe.
Xe đưa đón HS bắt buộc phải có hệ thống camera giám sát, quan sát được hết hành trình và toàn bộ bên trong xe để phụ huynh có thể theo dõi, kiểm tra việc đưa đón con em mình trong suốt quá trình đi – về.
Có thể trang bị đầu đọc thẻ lên xuống như một số nước đã làm, khi đó nếu phát hiện người lên xe mà chưa xuống sẽ cảnh báo cho nhân viên, giáo viên và phụ huynh biết để xử lý.
Các xe này phải dùng loại cửa kính trong suốt để người bên ngoài có thể nhìn thấy rõ mọi góc bên trong xe.
Bên cạnh đó, tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về an toàn giao thông, quản lý HS. Coi trọng việc tuyển dụng, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách đưa đón; tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở HS thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên – xuống xe.
Đặc biệt, sớm quy định bắt buộc về tiêu chuẩn, điều kiện đối với xe đưa đón HS.
ThS – Luật gia Phạm Văn Chung
THU HỒNG – Báo Người Lao Động