Ô nhiễm khí thải trầm trọng, TP.HCM khởi động xanh hóa giao thông
Nếu được triển khai đúng theo kế hoạch, đến năm 2030, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sử dụng 100% xe buýt “xanh”, tiên phong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, từng bước tiến tới loại bỏ xe xăng, phủ xe điện.
Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Sở GTVT TP.HCMvừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN cùng các sở, ban, ngành liên quan, lấy ý kiến về kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP.
Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm của các nước, xu hướng và hiện trạng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình thành 2 giai đoạn. Cụ thể, từ 2025 – 2029, những xe buýt chạy dầu diesel và khí CNG sẽ tiếp tục hoạt động đến khi hết thời hạn hợp đồng. Sau đó, các xe này sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xe điện. Đặc biệt, các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến tổng số phương tiện chuyển đổi từ diesel sang điện giai đoạn 2025 – 2030 là 2.771 xe, trong đó có 1.663 phương tiện thay thế trên các tuyến xe buýt hiện hữu và 1.108 phương tiện đầu tư trên các tuyến mở mới.
Thực tế từ cách đây 20 năm, TP.HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung phát triển các loại hình giao thông công cộng hiện đại như: cáctuyến metro, xe buýt điện, xe buýt CNG, taxi điện, kết hợp các kế hoạch kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tại các khu vực trung tâm. Đến cuối năm 2012, ngành GTVT TP.HCM đã có một lực lượng vận tải hành khách công cộng sạch và xanh đến 600 – 700 xe sử dụng khí CNG.
Tuy nhiên, với đặc thù tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân tại TP cao hơn các địa phương trong khu vực, đây vẫn là nguồn phát thải carbon chính, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, mỗi năm TP.HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong số này ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP.HCM cũng là một trong những TP hàng đầu thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình năm của TP tăng 1,4%; tỷ lệ diện tích ngập thường xuyên năm 2009 là 54%, dự báo tới năm 2050 sẽ tăng lên 61%. Trong đó, các hoạt động GTVT là một trong những nguyên nhân chính, đóng góp tới 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính. TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2030 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động GTVT, giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động GTVT, dần tiến đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan, carbon toàn ngành.
Mặt khác, trên thế giới, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân đang tăng cao, các quốc gia đều đã và đang có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Do đó, lãnh đạo TP.HCM cũng như Sở GTVT xác định đến thời điểm hiện nay, nhu cầu “đổi màu” các phương tiện giao thông đã trở nên vô cùng cấp bách, không thể chỉ dừng ở kế hoạch mà phải có những hành động cụ thể, thực chất.
“Hiện tại, TP.HCM có 2.209 xe buýt, trong đó có 546 xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, với tổng lượng phát thải CO2 là 553.299 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2025 – 2030 sẽ mở thêm 1.108 xe, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc vào năm 2030. Nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở TP sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030, do số lượng xe buýt tăng trên 50%. Điều này sẽ gây hại cho sức khỏe cộng đồng và thiệt hại lớn về kinh tế”, lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Sở GTVT TP.HCM, ưu điểm của xe buýt điện là giảm khí thải ô nhiễm môi trường. Xe buýt điện loại lớn cũng đã bắt đầu hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội do Công ty Vinbus quản lý và vận hành. Năm 2023, taxi điện đang hoạt động tại nhiều TP với hơn 15.000 xe. Đây là những điều kiện thuận lợi để TP.HCM thực hiện chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, chi phí đầu tư mua mới phương tiện và chi phí đầu tư trạm sạc là rào cản lớn nhất khiến họ chưa thể sẵn sàng chuyển đổi phương tiện.
Để đảm bảo hiệu quả của kế hoạch, Sở GTVT đề xuất hệ thống chính sách hỗ trợ, như cho phép mức vốn vay tối đa là 85% tổng mức đầu tư của dự án, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án; đơn vị kinh doanh vận tải được hưởng lãi suất vay cố định 3% trong suốt thời gian vay, ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất để tính mức hỗ trợ và lãi suất vay cố định; hỗ trợ 5% lãi suất đầu tư xây dựng trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn TP.HCM…
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, nhìn nhận đặc điểm nổi trội của hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM là áp dụng nền kinh tế nhiều thành phần ngay từ đầu, trong đó lực lượng HTX chiếm chủ đạo (80 – 90%) thay vì do lực lượng quốc doanh chiếm chủ đạo như ở TP.Hà Nội (90 – 95%). Lực lượng HTX xe buýt đã chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng phương tiện cũng như sản lượng vận chuyển. Do đó, khi tổ chức đấu thầu hoặc chuyển đổi sang xe buýt xanh và sạch, cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ đạt tình thấu lý, giúp hệ thống vận tải hành khách công cộng TP duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Theo đó, để hỗ trợ việc chuyển đổi xanh, hầu hết các quốc gia đều dành nhiều nguồn lực để đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, như trạm sạc ở những nơi công cộng, bến bãi, nhà chờ, trạm dừng…; đồng thời có nhiều chính sách cho các đối tượng này.
Đơn cử, Thái Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống còn 2%, thuế nhập khẩu từ 0 – 40%, mỗi xe sản xuất trong nước bán ra được trợ cấp 4.600 USD. Singapore và Malaysia tổ chức lắp đặt trạm sạc điện ở các nơi công cộng… Tại Na Uy, để có 70 – 80% phương tiện sử dụng năng lượng điện như hiện nay, nước này đã ban hành hàng loạt chính sách như hỗ trợ thuế, giảm phí đường bộ, miễn phí đậu xe, tổ chức làn chạy riêng cho xe buýt điện… Còn tại Trung Quốc, trong giai đoạn 2012 – 2022, mỗi người dân mua xe điện được chính phủ hỗ trợ một khoản tiền hoàn trả lên đến 8.300 USD; những người mua xe điện dưới 41.000 USD được trợ thuế 10% giá trị xe cho tới tận năm 2025 và sẽ tiếp tục giữ mức trợ thuế 5% vào 2 năm sau đó.
Ở Việt Nam, các chính sách từ nhà nước hiện còn ít và ngắn ngủi: chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện chỉ kéo dài 3 năm (2022 – 2025); chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30% xuống 15% chỉ kéo dài đến tháng 8.2027. Ngành GTVT đã trình Thủ tướng chính sách tài trợ 1.000 USD khi đầu tư một xeô tô điện, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
“Do vậy, ở phạm vi chính sách chung cho cả nước, hiệp hội chúng tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư xe điện như: tiền hỗ trợ nhà đầu tư, người mua xe tiên phong, lãi suất vay ưu đãi, thời gian trả góp dài theo chu kỳ đầu tư, ưu tiên khi xe lưu thông, đậu đỗ…”, ông Lê Trung Tính đề xuất.
Mỗi bộ chuyên ngành liên quan cần sớm công bố các quy chuẩn của từng ngành như trạm sạc cấp quốc gia, cấp địa phương; quỹ đất dành cho xây dựng trạm sạc, bến bãi đậu đỗ xe; chi phí đơn giá, định mức cho từng nhóm xe lớn nhỏ… để có thể nhanh chóng xây dựng các trạm sạc trên khắp các địa phương cũng như các tuyến đường liên tỉnh, cao tốc…
Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM)