Xe dù, bến cóc lộng hành: “Thuốc trị” là rút giấy phép?


Trong lúc các biện pháp ráo riết tuần tra, nghiêm khắc xử lý chưa mang lại kết quả mong đợi thì thu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là phương án được tính đến.

Hơn 1 tháng sau khi TP HCM cấm xe giường nằm vào nội thành từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày, nhiều hãng xe “nhảy cóc” ra khu vực vùng ven, địa bàn giáp ranh để hoạt động. Những nhà xe có phương tiện ghế ngồi thì vẫn thản nhiên đón, trả khách trong thành phố…

Bức tranh bát nháo

Những ngày cuối tháng 2-2023, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng xe dù, bến cóc trên các quốc lộ (QL) 1, 13, 22 và những tuyến đường ngoài vành đai cấm xe giường nằm diễn biến phức tạp.

Có mặt tại đường Kha Vạn Cân, đoạn gần QL13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) lúc 16 giờ 50 phút ngày 24-2, chúng tôi thấy xe khách BKS 51B-117… của nhà xe Ngọc Ánh nổ máy chờ nhân viên xếp hàng hóa. Cạnh đó, khoảng 20 người tay xách nách mang ngồi đợi đến giờ lên xe về Lâm Đồng.

20 phút sau, xe Ngọc Ánh lao ra QL13 hướng đi tỉnh Bình Dương rồi bất ngờ thắng lại ở đoạn gần cầu vượt ngã tư Bình Phước trên QL1 (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) để bắt khách giữa thời điểm mật độ phương tiện qua lại dày đặc. Xe này tái diễn việc trên tại đoạn Khu Du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức) trước khi rời khỏi địa phận TP HCM.

Ngoài nhà xe Ngọc Ánh, đường Kha Vạn Cân còn có một bãi xe lớn ở số 124. Đây là bãi đất trống 2 mặt tiền đường Phạm Văn Đồng và Kha Vạn Cân, được rào kín bằng tôn. Thời điểm sáng và chiều tối, hàng loạt xe liên tục ra vào bãi.

Cách đó khoảng 500 m, bãi xe Đệ Nhất ở số 19 QL13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cũng nhộn nhịp không kém với gần chục phương tiện trong bãi. Ngoài điểm này, nhà xe Đệ Nhất còn bắt khách ở cây xăng Saigon Petro số 140 QL1 (TP Thủ Đức) và dọc Khu Du lịch Suối Tiên.

Cũng trên QL13, địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Vận tải Thành Công – Chi nhánh Hiệp Bình Phước (số 834, phường Hiệp Bình Phước) cũng là “bến” của nhà xe đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Theo tìm hiểu, tại cây xăng Saigon Petro và Khu Du lịch Suối Tiên, không chỉ là “trạm đón khách” của nhà xe Ngọc Ánh hay Đệ Nhất mà còn của nhiều nhà xe khác. Cứ khoảng 10 phút thì một phương tiện dừng lại để chất hàng, đưa khách lên.

Còn trên Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), cách Bến xe An Sương 100 m là địa điểm hoạt động của nhiều nhà xe chạy tuyến miền Trung. Từ QL22 chạy ra hướng QL1 (quận Bình Tân), bãi xe 39 nằm cạnh KCN Vĩnh Lộc xuất hiện nhiều nhà xe chạy tuyến Bình Định, Quảng Ngãi tập kết, đón khách tại đây.

Ngoại thành như vậy, còn trong nội thành, các nhà xe sử dụng phương tiện có ghế ngồi hoạt động tấp nập. Trên địa bàn quận 5, các tuyến đường như Nguyễn Duy Dương, An Dương Vương, Tản Đà, Hùng Vương… thường xuyên có xe khách đỗ chờ đón khách. Trên đường Nguyễn Duy Dương, nhà xe Võ Cúc Phương bố trí đón, trả khách ngay trụ sở doanh nghiệp; đường Hùng Vương, nhà xe Khải Nam, Duy Quý, Thịnh Phát… nhận người ngay dưới đường.

Để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), lực lượng CSGT các địa phương đã có nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý cũng như tăng cường xử phạt “nguội” qua camera. Tuy nhiên, dù xử lý “nóng” hay “nguội”, khi vắng bóng lực lượng chức năng, các nhà xe thản nhiên hoạt động. Họ đối phó bằng cách “lách tầm nhìn” camera, dùng xe trung chuyển chở khách ra điểm hẹn sau lệnh cấm xe giường nằm vào nội thành…

Nói về hạn chế trong việc xử lý xe dù, bến cóc, đại diện đơn vị này cho rằng thẩm quyền của Thanh tra Sở GTVT hạn chế, trong khi các nhà xe lợi dụng kẽ hở để lách luật. Chẳng hạn, tài xế đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái, tức là xe chỉ dừng mà không đỗ. Khi thấy thanh tra giao thông, họ rời đi trong khi lực lượng này không được truy đuổi phương tiện.

“Việc các nhà xe tổ chức đón, trả khách trong các bãi giữ xe thì thẩm quyền thuộc chính quyền địa phương. Do đó, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn bởi nếu chỉ lực lượng thanh tra giao thông, CSGT xử lý ngoài đường sẽ không hết được nạn xe dù, bến cóc” – vị đại diện nói thêm về khó khăn.

Mới đây, Chỉ thị 22/2023 của Thành ủy TP HCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố có nội dung yêu cầu UBND thành phố nghiên cứu đề xuất quy định thí điểm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải để xảy ra tình trạng bến bãi, điểm đón, trả khách không đúng quy định. Đây được xem là giải pháp mạnh nhằm xử lý nạn xe dù, bến cóc.

Về nội dung này, đại diện Sở GTVT cho rằng TP HCM là đô thị đặc biệt, trong đó hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách cũng sôi động hơn các địa phương khác. Do đó, để quản lý hoạt động này đi vào trật tự thì cần linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp. Như vừa rồi, thành phố thực hiện thí điểm cấm xe giường nằm vào nội thành theo khung giờ nhất định hoặc sắp tới sẽ triển khai lắp camera trên các tuyến đường thường xuyên có tình trạng đón rước khách sai quy định…

“Hiện nay, các quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm của xe khách trá hình… chưa có, chưa đầy đủ hoặc chưa đủ sức răn đe. Đề xuất thí điểm việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hành khách để xảy ra vi phạm về bến bãi, đón trả khách không đúng quy định là cần thiết. Sở GTVT đang rà soát và phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình UBND thành phố triển khai Chỉ thị 22 của Thành ủy, trong đó sẽ phân công cụ thể cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể” – đại diện Sở GTVT cho hay.

Một địa điểm mà 300 trường hợp vi phạm

Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, từ tháng 11-2022 đến cuối tháng 2-2023, thanh tra đã lập biên bản 986 trường hợp xe dừng đỗ sai quy định với số tiền xử phạt hơn 2 tỉ đồng.

Riêng tại địa điểm cây xăng Tam Bình 2, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, thanh tra xử phạt 300 trường hợp với số tiền xử phạt 400 triệu đồng. Tại bãi xe Đệ Nhất, 3 trường hợp vi phạm dừng đỗ sai quy định ở khu vực bên ngoài bãi bị xử phạt.

Đô thị đặc biệt cần quy định đặc biệt

Ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch liên tỉnh TP HCM – nhận xét việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Chưa kể, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm về bến bãi, đón, trả khách cũng không có trong Nghị định 100/2019 và những văn bản quy phạm pháp luật khác về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải…

Tuy nhiên, theo ông Tính, TP HCM là đô thị đặc biệt sẽ có những quy định đặc biệt thí điểm quản lý hoạt động vận tải hành khách. Nếu thực hiện việc thí điểm thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thành phố cần phải rà soát các quy định pháp luật, trình HĐND cho ý kiến trước khi triển khai.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định hiện nay chỉ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Nghị định 100/2019 cũng chỉ áp dụng hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với đơn vị kinh doanh chứ không áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Do đó, nếu muốn áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh khi đón, trả khách không đúng nơi quy định thì phải bổ sung trách nhiệm bảo đảm phương tiện đón, trả khách đúng nơi quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, bổ sung trường hợp được phép thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có hành vi vi phạm pháp luật…

“Để có thể đưa đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành các quy định pháp luật và áp dụng trên thực tế, cần sửa đổi, bổ sung quy định, cần nhiều thời gian và công sức…” – luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

THU HỒNG – ANH VŨ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *