Cùng với những quy định chặt chẽ, theo các chuyên gia, cần sự giám sát, vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, có như vậy mới đưa được hoạt động vận tải xe hợp đồng vào khuôn khổ, đúng bản chất và không thể hoạt động trá hình tuyến cố định.
Xe Limousine Hà Hải tập kết dưới lòng đường đón khách trước Cung Trí Thức, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Đón khách ở 2, 3 điểm cũng phải ghi rõ trong hợp đồng
Liên quan đến vị trí đón trả khách của xe hợp đồng, trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, về cơ sở pháp lý, xe hợp đồng đón khách ở đâu là theo nhu cầu của người hợp đồng vận tải thống nhất với nhà xe khi làm hợp đồng. Họ sẽ lựa chọn vị trí đón khách ở nơi không có biển báo cấm dừng, đỗ, không cản trở giao thông và tiện lợi cho việc hội tụ hành khách trong đoàn.
Về cơ sở thực tiễn, hiện nay, thường thấy ở các đô thị lớn, các đoàn khách đi du lịch thường hẹn nhau tập trung ở cổng công viên hay trong khuôn viên khu đô thị… để lên xe nên cần cân nhắc quy định không được đón, trả khách 3 ngày liên tục trở lên tại trụ sở chính hoặc tại 1 vị trí khác.
Ông Quyền đề xuất, để đáp ứng yêu cầu quản lý, đề nghị quy định theo hướng: quy định rõ trong hợp đồng vị trí đón khách và số lượng tối đa không quá 2 – 3 điểm đón trả khách cho mỗi chuyến xe hợp đồng. Hợp đồng vận chuyển được truyền về cơ quan quản lý trước khi xe chạy (đã được quy định trong Nghị định 10); giám sát việc thực hiện quy định này thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe (đã có quy định hiện hành); xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Xe Hà Sơn-Hải Vân dừng đỗ đón khách tại đường Giải Phóng, Hà Nội
“Đồng thời bổ sung quy định: nếu vi phạm quá 3 lần sẽ tước phù hiệu; nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Điều chỉnh thời hạn cấp phù hiệu cho xe hợp đồng theo hướng những xe mới tham gia kinh doanh hoặc có vi phạm thì phù hiệu được cấp ngắn (có thể 1 – 3 tháng). Khi đổi phù hiệu, cơ quan quản lý rà soát qua dữ liệu hợp đồng; camera, thiết bị giám sát hành trình, nếu vi phạm phải xử lý, chấn chỉnh, yêu cầu ký cam kết không tái phạm mới cấp lại. Nếu tái phạm quá 3 lần thì thu hồi giấy phép kinh doanh”, ông Quyền đề xuất giải pháp.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đối với xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia từ nơi ở đến nơi làm việc thì không quy định số điểm dừng đón, trả khách. Đối với hành khách đi theo đoàn thì quy định tối đa không quá 2 – 3 vị trí (vị trí đón trả khách đã được ghi trong hợp đồng và là nơi phù hợp; không có biển cấm dừng, đỗ); việc giám sát thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe.
“Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 10 đưa ra một số đề xuất, giải pháp để quản lý, xử lý đối với xe hợp đồng trá hình tuyến cố định nhưng theo tôi giải pháp quản lý vẫn phải theo quy định đã xác định về xe hợp đồng, đó là thuê cả chuyến; xác định điểm đi, điểm đến, thời gian thực hiện, số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; thực hiện giám sát qua thiết bị giám sát hành trình và camera; dữ liệu được truyền dẫn theo quy định. Trường hợp đón khách ở 2, 3 điểm thì cũng phải ghi rõ trong hợp đồng”, ông Quyền nêu quan điểm.
Xe Limousine halan đỗ dưới lòng đường ngay trong giờ cao điểm đón trả khách trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Kết hợp bộ ba: CSGT – TTGT – chính quyền sở tại
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, trên thực tế, mỗi hợp đồng thực chất là một đối tượng đi lại khác nhau, ngày tháng khác nhau và địa điểm đón khách khác nhau.
“Theo tôi, ở văn phòng của một doanh nghiệp/HTX vận tải, tức trụ sở chính hoặc các vị tri khác… là nơi đương nhiên không được đón, trả khách, trừ trường hợp nơi đó có đầy đủ điều kiện cần thiết và có giấy phép cho đón, trả khách của ngành GTVT”, ông Tính cho ý kiến khi được hỏi về đề xuất không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp trở lên tại trụ sở chính hoặc tại một vị trí khác mà dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020 đưa ra.
Xe Limousine Hà Hải đỗ trả khách ngay trong giờ cao điểm sáng nay (4/10) trên đường Giải Phóng, Hà Nội
Đối với đề xuất quy định tỷ lệ trong 1 tháng, mỗi ôtô hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến (quy định hiện hành là 30%) có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã (phường) hoặc quận (huyện), theo ông Tính, quy định này là không cần thiết và khó kiểm tra trên thực tế.
“Bản chất đối tượng khách hàng của mỗi hợp đồng là một khác (khác cả đối tượng khách, ngày giờ đi, đến và địa điểm đón, trả khách. Các nơi mà lặp đi, lặp lại chính là dấu hiệu đầu tiên của “xe dù”, “bến cóc” và như vậy cần kiểm tra để loại bỏ. Trong khi đó, hệ thống GPS và camera hiện nay quá đủ điều kiện để kiểm tra và xử lý việc đó”, ông Tính cho hay.
“Bản chất của xe hợp đồng “chính danh” là hành khách thuê bao cả chuyến xe, phải có phiếu thu tiền của hợp đồng đó. Đồng thời quy định, mỗi chuyến xe chỉ được đón, trả khách tại các điểm đã được ghi trong hợp đồng”.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM cũng nêu quan điểm, cùng với Nghị định 10/2020, Thông tư 12/2020 (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) cũng đã có những quy định tương đối chặt chẽ, quan trọng là quá trình thực thi, giám sát, xử lý vi phạm thế nào mà thôi.
“Theo tôi, sở dĩ tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tồn tại dai dẳng thời gian qua là do sự lơ là của lực lượng chức năng, cũng như sự tiếp tay của chính các doanh nghiệp/HTX vận tải, các lái xe… Tại nhiều diễn đàn, tôi cũng đã đề xuất giải pháp, đó là kết hợp chặt chẽ giữa bộ ba: CSGT – TTGT và chính quyền sở tại, bằng một quy chế cụ thể và đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của một lãnh đạo tỉnh, thành phố. Có như vậy mới mong dẹp được “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”, ông Tính chia sẻ.