TLPV 40 – Cần có giải pháp sau khi ô tô hết niên hạn sử dụng 20, 25 năm


Cần có giải pháp sau khi ô tô hết niên hạn sử dụng 20, 25 năm

 

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng việc tách bạch quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô nhằm thuận tiện cho việc quản lý, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông.

THY NHUNG

 

Nhằm đảm bảo an toàn cho việc lưu thông, Bộ GTVT đã quy định về niên hạn đối với xe cơ giới.

Tách bạch niên hạn các loại xe

Bộ GTVT đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.

Theo đó, dự thảo nghị định bổ sung quy định về niên hạn của xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và quy định cụ thể cách tính niên hạn sử dụng của xe cơ giới.

Cụ thể, niên hạn xe ô tô được quy định như sau: Không quá 25 năm đối với ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng), xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Không quá 20 năm đối với ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ô tô chở người chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ. Xe chở trẻ em mầm non và học sinh không quá 20 năm.

Các xe không quy định niên hạn gồm: xe mô tô, xe máy; xe ô tô chở người có số người cho phép chở đến 8 người (không kể người lái xe), xe ô tô chuyên dùng, rơ moóc, sơ mi rơ moóc; Xe cơ giới của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Niên hạn sử dụng của xe cơ giới được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe đến hết ngày 31-12 của năm hết niên hạn sử dụng. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.

 

Cần có giải pháp sau khi hết niên hạn nhưng xe vẫn sử dụng được

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội hàng hoá TP.HCM cho rằng đối với các loại xe chở hàng thì nên giữ nguyên 25 năm là được, còn nếu nghiên cứu có thể tăng lên 30 năm sẽ tốt hơn. Vì hiện nay các quy định về kiểm định xe cũng nghiêm ngặt hơn, kỹ thuật, chất lượng ô tô cũng ngày càng tiến bộ hơn.

“Vì vậy quy định không quá 25 năm đối với ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng), xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là phù hợp”- vị đại diện cho hay.

 

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cũng đồng tình cho rằng việc làm rõ, phân biệt niên hạn của từng loại xe để thuận tiện trong việc quản lý, điều hành. Loại nào được sử dụng 20 năm, hay 25 năm.

“Công nghệ mỗi ngày một cao hơn nên chất lượng sản xuất cũng cao hơn thì mình duy trì theo mức cũ như vậy là đúng”- ông Tính cho hay.

Theo ông Tính, việc quy định về niên hạn của xe cũng nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn của mạng sống con người và hàng hoá. Tuy nhiên cũng cần quy định niên hạn xe làm sao để không gây ra lãng phí. Ví dụ, sau khi hết niên hạn 20, 25 năm, có nên kiểm tra, đánh giá xem xe nào vẫn đủ điều kiện thì nên cho phép lưu thông. Việc đánh giá xe đủ điều kiện, chất lượng để tiếp tục sử dụng sẽ do cơ quan chức năng thực hiện với máy móc đánh giá chính xác. Tuy nhiên, cũng phải có quy định cụ thể cho việc này để tránh tiêu cực phát sinh.

“Xe cũ đủ điều kiện cho phép lưu thông có thể đổi sang thành phố, đô thị khác nơi có mật độ lưu thông đi lại ít hơn, ít ô nhiễm hơn, đường sá thông thoáng hơn để sử dụng. Việc này cũng nhằm tiết kiệm sản phẩm và phù hợp với từng địa bàn”- ông Tính đề xuất.

Vị chủ tịch Hiệp hội cũng chia sẻ thêm, thực tế đối với các đơn vị vận tải hành khách như taxi thông thường họ cũng sử dụng giới hạn thời gian nào đó chưa cần đến hạn 20 năm. Vì xe này họ chạy liên tục trong thành phố vừa có thể gây ô nhiễm môi trường và lại không an toàn cho hành khách ngồi trên xe.

 

Box 1: Mức phạt khi điều khiển xe ô tô hết thời hạn sử dụng

Theo quy định hiện hành, người lái xe đã quá hạn sử dụng sẽ bị CSGT xử phạt.

Cụ thể, tại khoản 5 và 6 Điều 16 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Người sử dụng xe ô tô quá niên hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

Ngoài ra, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt với hành vi điều khiển xe ô tô quá niên hạn sử dụng (Điều 82 Nghị định 100/2019).

 

Box 2: Xe kinh doanh vận tải có quy định riêng về niên hạn

Điều 13 Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô quy định thêm niên hạn các loại xe KDVT.

Trong đó, xe ô tô KDVT hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;

Xe ô tô KDVT hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);

Xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để KDVT hành khách bằng xe taxi;

Xe ô tô KDVT khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô KDVT hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

Riêng xe ô tô KDVT hành khách du lịch và xe ô tô KDVT hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *