TLPV 53 – Chuyện cái phôi bằng lái xe


CHUYỆN CÁI PHÔI BẰNG LÁI XE

 

Đi học lái xe chỉ mong có bằng lái để tham gia giao thông, mưu sinh nhưng thi xong rồi phải chờ cấp bằng chỉ vì cơ quan nhà nước trả lời… thiếu phôi. Rồi người dân muốn đổi bằng để tránh hết hạn, để cập nhật VNeID cũng phải chờ phôi.

Câu chuyện xảy ra nhiều tháng, diễn ra trên nhiều tỉnh thành đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Khi dân hỏi các Sở giao thông vận tải, sở nói chờ phôi cung cấp từ Cục Đường bộ VN. Các sở cũng giải thích lâu nay họ chỉ quản lý đào tạo, sát hạch bằng lái xe, chủ động vật liệu như mực và phim, còn muốn in bằng phải đặt phôi, màng dán trên phôi từ Cục Đường bộ VN.

Và Cục Đường bộ VN cũng giải thích một số nguyên vật liệu của phôi bằng lái chưa sản xuất được trong nước, phải nhập khẩu.

Phải mất khoảng 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mới cung cấp được số lượng phôi phát sinh. Vì vậy phôi bằng cứ được cấp nhỏ giọt nên người dân vẫn phải chờ và vì vậy đời sống của họ phải rơi vào thế bị động và xáo trộn.

Phôi bằng lái xe nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng khi “có vấn đề”, người ta thấy nó phải qua nhiều tầng nấc.

Cục Đường bộ VN quản phần phôi kiểu “phân bổ quota”, còn địa phương chỉ quản phần đào tạo, nhập liệu, in bằng. Tình trạng này diễn ra từ lâu, nhiều bất cập nhưng chưa có giải pháp hợp lý.

Lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước phải tiên liệu, dự báo những tình huống ở lĩnh vực mình phụ trách. Thế nhưng chuyện thiếu phôi bằng đã làm các địa phương lúng túng, bị động. Dân kêu chỉ biết trả lời “chờ phôi từ cục” mới cấp được bằng lái.

 

Ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP.HCM – có lý khi đề xuất cần phải đẩy mạnh phân cấp về cho địa phương xử lý phôi bằng.

Cơ quan chủ quản chỉ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã… để các địa phương chủ động đấu thầu, bổ sung phôi bằng cung cấp kịp thời cho dân. Và phân cấp cũng là một trong những việc nên làm để chống lãng phí

Hãy bớt chuyện “một quả trứng gà có mấy bộ ôm, bộ quản”. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ tại một hội nghị rằng: “Hiện nay có thực tế không ít bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải làm kiểu xin – cho. Đáng lẽ địa phương làm nhưng lại giữ lấy, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian…”.

Vì thế qua câu chuyện phôi bằng lái cho thấy việc phân cấp, phân quyền là cần thiết và được kỳ vọng sẽ giảm đi kiểu xin – cho. Khi đó, các địa phương cũng sẽ chủ động hơn trong xử lý công việc, giảm phiền hà cho dân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *