Xử lý dứt điểm taxi sân bay ‘chặt chém’, đừng ‘bắt cóc bỏ dĩa’


Nhiều ý kiến cùng đề nghị như vậy sau vụ các tài xế taxi sân bay Tân Sơn Nhất dùng thiết bị điện tử để gian lận cước bị Tuổi Trẻ phanh phui ngày 19-6. Các ý kiến cho rằng có thể xử lý dứt điểm nạn taxi chặt chém nếu cơ quan chức năng quyết tâm.

Nhằm ngăn chặn nạn gian lận cước taxi, các đơn vị quản lý cần kiểm tra chặt và xử lý mạnh để răn đe. Trong ảnh: hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 24-6 – Ảnh: T.T.D.

* Ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM):

Các đơn vị vận tải không nên để tài xế tự tung tự tác

Nếu có việc gian lận giá cước thì các đơn vị quản lý chỉ cần kiểm tra chặt là sẽ phát hiện ngay. Chênh lệch đến vài trăm ngàn thì lẽ nào đơn vị quản lý lại không biết?

Tôi thấy vấn nạn này là hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng và đơn vị kinh doanh.

Nguyên tắc đồng hồ là nhảy giá tiền giống nhau và được tính đúng giá cước đã quy định, chỉ trừ trường hợp khách cùng tài xế chốt giá riêng thì mới có giá khác.

Hành vi gian lận của những người tài xế taxi sân bay “chặt chém” vô tình là “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách trong lẫn ngoài nước.

Hiện nay, tại sân bay Tân Sơn Nhất còn thực trạng nhiều người núp bóng xe công nghệ, “chặt chém” khách hàng.

Do đó, tôi khuyến cáo các đơn vị vận tải đề cao phương châm tôn trọng khách hàng. Muốn làm kinh doanh, du lịch tốt thì phải nghĩ đến chuyện lâu dài, đặt quyền lợi của khách hàng trên hết.

Các đơn vị phải lập tức kiểm tra, đốc thúc, không để tài xế tự tung tự tác, “chặt chém” khách. Các đơn vị vận tải taxi TP.HCM phải kiên quyết sa thải những tài xế vi phạm, sử dụng những tài xế như thế chỉ gây hại cho hình ảnh, uy tín của đơn vị, gây thiệt hại cho khách hàng.

* PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Xử mạnh tay đủ sức răn đe

Sân bay là nơi có đông khách hàng có nhu cầu sử dụng taxi.

Việc gian lận cước taxi của tài xế tại sân bay gây ảnh hưởng rất lớn, không chỉ đơn giản là gây thiệt hại về tiền bạc của khách hàng.

Hơn thế, hành vi gian lận cước taxi như trên còn làm mất uy tín, diện mạo của sân bay quốc tế.

Các đơn vị quản lý phải xác định việc gian lận cước taxi của tài xế là hành động xấu cần phải loại trừ.

Giải pháp cho tình trạng này phải mang tính tổng hợp từ nhiều phía. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý phương tiện phải vào cuộc mạnh tay nhất.

Khi nhận được thông tin của khách hàng thì ngay lập tức phải kiểm tra và xử lý để chặn đứng hành vi sai phạm. Việc tài xế cố ý gian lận cước, gắn thiết bị gian lận trên taxi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với tài xế vi phạm cần xử phạt mạnh tay để đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đồng thời, cần kết hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an để ngăn chặn việc mua bán các thiết bị dùng để gian lận cước.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần chủ động phát hiện và tố giác việc tài xế gian lận cước taxi. Khi phát hiện bị gian lận cước taxi, khách hàng cần bình tĩnh nhận dạng tài xế cũng như đặc điểm của taxi để phản ánh đến các cơ quan quản lý. Việc làm này của khách hàng sẽ giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý và qua đó cảnh tỉnh các tài xế gian lận.

Đặc biệt, ngoài kiểm tra nội bộ để xử lý các trường hợp vi phạm, các hãng taxi cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức phục vụ khách hàng của đội ngũ tài xế. Làm sao cho những tài xế gian lận cước thấy được rằng việc làm sai trái là không thể bền vững.

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM):

Truy trách nhiệm tới cùng

Sự việc tài xế taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất gian lận cước đã gây ra những hệ lụy rất lớn, tình trạng này cũng âm ỉ diễn ra từ lâu.

Việc cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động vào rước khách sân bay Tân Sơn Nhất đối với hai hãng taxi sau khi phát hiện tài xế gian lận giá cước, tôi cho rằng đây là động thái rất kịp thời.

Tuy nhiên, để tránh tái diễn, cơ quan quản lý TP.HCM và phía sân bay cần tổ chức cuộc họp tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp và giám sát việc thực hiện trong thời gian tới.

Phải quy trách nhiệm tới cùng và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Truy trách nhiệm không nhằm “vạch lá tìm sâu”, mà là biện pháp quyết liệt để việc phục vụ khách ở sân bay được thuận lợi, an toàn và đặc biệt bảo vệ hình ảnh thân thiện, nghĩa tình và mến khách của TP.HCM trong mắt du khách khi họ đặt chân tới TP.

* Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân:

Cơ quan chức năng TP và sân bay phải quản lý song trùng

Sân bay ở nước ta nói chung và Tân Sơn Nhất nói riêng có hạ tầng yếu hơn các sân bay khu vực và các nước khác vì không có đường sắt, metro kết nối để đưa rước khách.

Bởi vậy, phần lớn hành khách đều phải phụ thuộc vào các loại phương tiện cá nhân và taxi. Trong khi đó, việc tổ chức vận tải không tốt dẫn đến chuyện bát nháo, “chặt chém”, gian lận giá cước… làm ảnh hưởng đến uy tín, bộ mặt cửa ngõ.

Ở đây có hai vấn đề lớn cần được giải quyết, đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và sự phối hợp của địa phương có sân bay. Là địa phương nơi có sân bay, TP.HCM có được quản lý song trùng với đơn vị quản lý sân bay hay chưa? Cơ chế phối hợp giữa địa phương cùng đơn vị quản lý sân bay đã tốt hay chưa?

Thứ hai là chuyện “chặt chém” ở sân bay diễn ra một thời gian dài. Nước ta có sáu sân bay lớn, có lượng hành khách đông nhưng tại sao chuyện này lại xảy ra ở Tân Sơn Nhất? Sự việc cho thấy bản thân đơn vị tổ chức quản lý phương tiện ra vào sân bay để đưa khách đến và rước khách đi, nói thẳng là có vấn đề.

Như vậy, nếu không giải quyết được hai vấn đề trên cùng với việc minh bạch hơn nữa trong việc quản lý phương tiện rước khách ra vào sân bay sẽ khó có thể kỳ vọng được sân bay to nhất nước cải thiện nhiều về dịch vụ.

* Bà Văn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM):

Chủ động kiểm tra, chấn chỉnh

Hình ảnh xấu liên quan đến taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất không phải chỉ mới xuất hiện.

Trước đó đã có những câu chuyện lộn xộn xảy ra ở đây. Sân bay không chỉ là nơi người dân đi lại mà còn là nơi đầu tiên du khách trong và ngoài nước đặt chân đến TP.

Sự đón tiếp thông qua hình ảnh của tiếp viên hàng không, nhân viên sân bay và cả các tài xế taxi, xe công nghệ sẽ là ấn tượng ban đầu cho du khách.

Ấn tượng đó xấu hay đẹp phụ thuộc rất nhiều bởi thái độ và hành vi ứng xử của các lực lượng có mặt tham gia dịch vụ ở sân bay.

Chính vì vậy cần có những động thái chủ động rà soát, kiểm tra chấn chỉnh mạnh từ các đơn vị quản lý. Không để khi báo chí phanh phui mới vào cuộc xử lý, mà trong mọi thời điểm các lực lượng phải tăng cường giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Chính sự nghiêm minh này cũng giúp hoạt động vận tải, dịch vụ ở sân bay hoạt động công bằng, chuyên nghiệp và ấn tượng đẹp trong mắt du khách. Đây cũng là điểm cộng thân thiện cho du lịch TP.

* Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM):

Nhất thiết phải ưu tiên xe buýt sân bay

Thường xuyên đi lại ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tôi nhận thấy câu chuyện gian lận cước taxi đã diễn ra từ lâu.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hạ tầng kết nối vào sân bay yếu kém, quá tải và quản lý còn lỏng lẻo.

Xe buýt trong sân bay rất ít, số tuyến và số chuyến rất hạn chế, hành khách muốn đi xe buýt phải đi bộ khá xa.

Do đó, hành khách bắt buộc lựa chọn taxi cho thuận tiện nên dễ bị “chặt chém”, nhất là khách nước ngoài.

Mỗi khi người dân phản ảnh bị taxi gian lận tiền cước, cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử phạt. Việc xử lý chỉ mang tính “bắt cóc bỏ dĩa” không hiệu quả, vì là giải quyết phần ngọn, còn gốc rễ vấn đề chưa giải quyết được.

Để giải quyết căn cơ, chính quyền cần thống nhất phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Phải ưu tiên quy hoạch mạng lưới xe buýt ra vào, đi ngang sân bay tiện nghi, sạch sẽ để phục vụ hành khách.

Các đơn vị nên ngồi lại với nhau để phân công, phân cấp quản lý. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần tham gia quản lý điều tiết giao thông, kiểm tra và giám sát hoạt động vận tải đường bộ trong và ngoài sân bay.

Bởi vì tài xế taxi đón khách trong sân bay nhưng khi trả khách ngoài sân bay mới thu tiền thì đơn vị quản lý sân bay không biết và cũng không có thẩm quyền xử lý.

New York mạnh tay sau vụ lừa đảo cước taxi lớn nhất lịch sử

Vào năm 2010, sau khi kiểm tra dữ liệu GPS, Ủy ban Taxi và limousine của TP New York (Mỹ) đã phát hiện gần 3.000 tài xế thường xuyên gian lận cước taxi bằng cách chỉnh đồng hồ đếm cước. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành taxi New York.

Dàn taxi tại quảng trường Thời Đại ở thành phố New York (Mỹ) vào giờ cao điểm – Ảnh: FLICKR

New York áp dụng mức cước taxi riêng với năm quận trung tâm, vào khoảng 2 USD/dặm (khoảng 47.000 đồng/1,6km).

Nhưng các tài xế đã gian lận của hành khách khoảng 4 – 5 USD (94.000 – 117.000 đồng) mỗi chuyến trên tổng số 1,8 triệu chuyến đi bị điều tra, thu lợi bất chính gần 9 triệu USD (khoảng 212 tỉ đồng).

Họ gian lận bằng cách bấm Mã số 4 trên đồng hồ (vốn được quy định cho các chuyến đi bên ngoài TP) thay vì Mã số 1 để áp dụng cho năm quận trung tâm.

Nhiều hành khách bị lừa vì không hiểu quy tắc trên và sau đó các quan chức tại New York đã phổ biến cho người dân.

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu các công ty sản xuất đồng hồ tính cước trên taxi bổ sung hệ thống cảnh báo khi cước taxi bị tính cao hơn mức tiêu chuẩn. Cảnh báo được hiển thị ở màn hình dành cho ghế sau của taxi.

Tài xế Wasim Khalid Cheema tại quận Brooklyn bị khiếu nại vì gian lận cước taxi với 574 hành khách chỉ trong một tháng. Ông này sau đó đã bị tước giấy phép lái taxi. Các tài xế khác cũng bị phạt tiền 200 USD (gần 5 triệu đồng) hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe tùy theo mức độ vi phạm.

Du khách dễ thành nạn nhân của các chuyến taxi lừa đảo

Đầu năm 2019, một cặp đôi người Scotland du lịch đến New Zealand bị tài xế taxi lừa quẹt thẻ tới 630 USD (gần 15 triệu đồng) cho một chuyến đi chỉ kéo dài 5 phút. Sau khi không đủ tiền thanh toán ở cửa hàng tạp hóa, họ mới tá hỏa kiểm tra sao kê và phát hiện chuyến taxi lừa đảo kể trên.

Tương tự, vào đầu năm 2023, một nhóm du khách người Anh đến Paris (Pháp) đã bị lừa quẹt 777 euro (khoảng 19 triệu đồng), dù đã thỏa thuận cước taxi chỉ 7,3 euro (khoảng 187.000 đồng).

Tài xế nằng nặc đòi thanh toán thẻ vì “đã nhận quá nhiều tiền mặt trong ngày”. Không may mắn như cặp đôi New Zealand, nhóm du khách này đã không thể đòi lại số tiền bị lừa.

Theo chia sẻ của nhiều người trên trang Tripadvisor UK, tốt nhất nên thanh toán taxi bằng tiền mặt để dễ dàng kiểm soát. Hành khách nên chuẩn bị thật nhiều tiền lẻ, tránh trường hợp tài xế viện cớ “không có tiền trả lại” và yêu cầu thanh toán bằng thẻ.

Trong trường hợp thanh toán bằng thẻ thì phải giữ lại biên lai để có cơ sở đối chứng. Ngoài ra, cần tham khảo giá cước taxi địa phương và thỏa thuận trước với tài xế về quãng đường cũng như giá cước trước khi bước lên xe.

 

Du khách nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) tham quan du lịch dễ bị taxi “bắt chẹt” – Ảnh: TỰ TRUNG

Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp sân bay kiểm tra thường xuyên

Ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết ngay sau khi Tuổi Trẻ phản ánh việc tài xế taxi gian lận cước, sở đã chỉ đạo thanh tra sở lập tức phối hợp với phía sân bay, đồn công an Tân Sơn Nhất kiểm tra, xử lý.

Theo đó, thanh tra sở đã lập bốn biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 23,4 triệu đồng.Đồng thời tước quyền sử dụng phù hiệu taxi đối với phương tiện trong hai tháng nhằm răn đe, ngăn ngừa tái phạm.

Theo ông Hưng, Sở Giao thông vận tải sẽ đề nghị phía sân bay, UBND quận Tân Bình cùng phối hợp bố trí kiểm tra thường xuyên, đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ cử nhân sự phối hợp lực lượng thanh tra sở tiến hành kiểm tra, xử lý taxi lắp thiết bị gian lận giá cước.

“Sở Giao thông vận tải mong xử lý dứt điểm, đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt động vận chuyển hành khách tại khu vực công cộng sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Hưng nói.

Mong lần này không “bắt cóc bỏ dĩa”

Sau khi đăng bài “Lật tẩy trò gian lận cước taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất” ngày 19-6, Tuổi Trẻ nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc bày tỏ bức xúc và cho biết từng là nạn nhân của trò gian lận tiền cước này và yêu cầu các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Dư luận cũng bức xúc vì tình trạng gian lận cước taxi không phải mới nhưng cơ quan chức năng xử lý không triệt để nên cứ sau một thời gian tạm lắng là bùng phát trở lại, không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”.

“Các hãng taxi hoặc thanh tra giao thông sao không thường xuyên cử người “bí mật” kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Những sai phạm hằng ngày mà cứ chờ đến khi báo chí phanh phui thì mới vào cuộc kiểm tra, xác minh, xử lý thì những kẻ gian lận này đã hoành hành khắp nơi, bao nhiêu khách hàng bị thiệt?

Hãy nhìn sang một số quốc gia lân cận – họ làm rất gọn, rất nghiêm, nề nếp và rõ ràng” – bạn đọc Đức Thọ gợi ý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *