Với tôi, Ăn sáng 1- Viết cho những ngay còn đi làm
Đừng bao giờ đi ăn một mình!
“Đi một mình tim sẽ mồ côi,
Tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp”!
Đó là hai câu thơ của cuồng sĩ Bùi Giáng-Việt Nam ta (Tuy chỉ là một người tình đơn phương của kỳ nữ Kim cương nhưng sau này đã trở thành tình sử, ai cũng biết )! Thế nhưng không ngờ nó lại đúng với triết lý quản trị khi ở trời Âu ông Keith Ferrazzi đã biến tứ thơ đó, viết thành tác phẩm nổi danh, được xếp vào 500 tác phẩm hay nhất về kinh doanh trên thế giới:
“Never eat alone And Other Secrets to success, One Relationship at a time– Đừng bao giờ đi ăn một mình và những bí mật khác để thành công – Mỗi lần một mối quan hệ”.
Đó là thứ triết lý mà các nhà khoa học quản trị đã mách bảo cho chúng ta biết rằng:
“Một mình vốn nó cô đơn và không bao giờ có ý nghĩa bằng bằng có đôi” như vốn dĩ bản chất của người đàn ông và người đàn bà khi tạo hóa tạo thành.
Hay cụ thể hơn một chút:“Để thành công chúng ta phải biết cách sử dụng sức mạnh của các mối quan hệ”.
Quan điểm này thực ra chỉ là “một câu chuyện hàng ngày ở Huyện” và ai cũng hiểu, thế nhưng nó thậm khó đối với những ai không biết vận dụng vào cuộc sống để thấy cuộc sống này thú vị biết dường nào! đồng thời để biến những giây phút sống trên cõi đời nầy, nếu không được tất cả là “những tối tân hôn”, thì chí ít cũng giống như Krisnamurti -một triết gia Ấn Độ đã nói:“Cái mà Phật gọi là Niết bàn, Jesus gọi là Thiên đàn thì tôi gọi ấy là cuộc sống”.
Ăn sáng,
Ăn sáng theo tiếng Việt là bữa ăn đầu tiên của một ngày, xảy ra vào buổi sáng! Còn ăn sáng theo tiếng Anh là “breakfast” mà phân tích theo từ nguyên thì cũng khá thú vị: break (có nghĩa là phá vỡ) và fast (có nghĩa thời kỳ nhịn ăn) tức là khoảng thời gian từ lúc ta ăn bữa tối cuối cùng đến lúc sáng hôm sau (khoảng 8-12giờ).
Ngày nay, các nhà dinh dưỡng trên thế giới đều công nhận rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ba bữa ăn truyền thống.Một bữa ăn sáng đầy đủ sẽ giúp cơ thể chúng ta bổ sung lượng Glucoza trong máu, nguồn năng lượng chính của não, mà sau một đêm dài không họat động. Nói một cách khác, nó giúp nâng cao được sức khỏe và kéo dài sinh lực suốt buổi sáng, gíup tinh thần minh mẫn trong suốt một ngày.
Một nghiên cứu khác lại cho rằng, những ai không ăn sáng lượng vitamin và khóang sẽ bị thiếu trầm trọng, đặc biệt là chất sắt và calci hoặc người ăn sáng thường xuyên có chỉ số thông minh cao hơn người không ăn sáng.
Bữa ăn sáng tốt nhất theo các chuyên gia dinh dưỡng là sử dụng ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa như: sữa chua – fromage, sữa đậu nành (giúp hạ thấp đường huyết và tăng độ nhạy với insulin)…hoặc các thức ăn giàu protein – calci – kali…và cách tính toán định lượng số kalories cần thiết trong ngày của một người, theo công thức bình quân như sau:
- Trọng lượng* 32kg calories/kg/ngày(Nam).
- Trọng lượng* 30 kg calories/kg/ngày(Nữ).
Lại có người cho rằng không nên ăn sáng để thực hiện chế độ giảm cân, thế nhưng tiếc thay cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được điều đó!
Ngược lại, người ăn sáng đầy đủ và thuờng xuyên lại là người có điều kiện tốt để giữ chế độ giảm cân!
Ăn sáng thực ra cũng là một nghệ thuật,nếu chúng ta biết cách ăn sáng thì sẽ tăng cường sức khỏe.Do đó, một số món mà khi ăn sáng chúng ta cần tránh vì nó cung cấp quá nhiều calo và mỡ: bánh ngọt, bánh ngọt nướng, bánh rán ( loại này mệnh danh là Transfat) nó làm cho cholesterol tăng cao!
Hoặc một số loại thức ăn nhanh như thịt băm – xúc xích… chất béo trong thức ăn nhanh, thường gấp 5 lần mức cần thiết trong một ngày!
Thực ra, đây là công việc mà chúng ta không ai không làm chỉ vì lý do đơn giản là sau khỏang 8 – 9 giờ chúng ta ngủ về đêm, sáng bụng đói, cần cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và theo thông lệ với ba bữa ăn truyền thống sáng-trưa-chiều mà ai ai cũng biết.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là bữa ăn nào quan trọng nhất? có thể không cần ăn sáng như những người nghèo khó thời không đủ ăn-đủ mặc? và trong bối cảnh có quan điểm trái ngược nhau. Có trường phái cho rằng, ăn sáng có hay không cũng được! Trong khi có trường phái cho rằng bữa ăn sáng chính là bữa ăn quan trọng nhất chứ không phải bữa ăn trưa hay ăn tối!?
Chắc có lẽ câu nói hay nhất là của ai đó, tôi đã từng đọc nhưng không nhớ chính xác, nhưng có đại ý rất hay là: “Ăn sáng là ăn cho Ta, ăn trưa là ăn cho Bạn và ăn tối là ăn cho Kẻ thù”.Thật thú vị phải không các bạn?
Với Tôi,
Với Tôi không ngoài qui luật chung đã nói trên, đồng thời áp dụng triệt để qui luật: “Đừng bao giờ đi ăn một mình!” Ăn sáng trong ngày thường, do không có nhiều thì giờ và do căn bệnh mạn tính của mình, cần phải ăn để uống thuốc, nên các bữa ăn sáng chỉ qua loa cho qua bữa và thường là ở nhà, ít khi ra hàng quán.
Bữa ăn sáng mà chúng tôi quan tâm là vào các ngày nghỉ lễ hoặc vào cuối tuần: thứ bảy-chúa nhật. Lịch ăn sáng của Tôi được phân chia khá rõ ràng: Thứ bảy- dành cho bạn bè, Chúa nhật – dành cho phu nhân và gia đình, ngày lễ thì tùy cơ ứng biến!
Với bạn bè, chúng tôi thừơng cùng những anh em chiến hữu quen biết nhiều năm và ăn sáng ở một số địa điểm:
- Phong Lan quán-đường Lý Thường Kiệt, Q11 với các bạn Chiến-Sơn-Ngọc-Sanh,Trị-Quốc-Thuỷ…
- Huê Ký mì gia, đường Thuận Kiều-Q5, Phở 24-đường Nguyễn Trãi-Q5, Phở Như Ý-đường 3/2, Q11, Phở Lệ-đường Nguyễn Trãi-Q5 với các bạn Hưởng-Phấn-Vy-Anh Hai Cớ, Hà,Công…
- Thuận Kiều Plaza -Q11 với Dung-Sĩ-Quỳnh Hoa…
- Quán Tre-37 Lê Quí Đôn,Q3 một quán mới do Trị giới thiệu với khung cảnh khá hữu tình…
Với phu nhân, chúng tôi thường ăn sáng ở:
- Phở Xuân Mai – Nguyễn Thị Nhỏ-Q6,
- Bún chả giò Tư Hoàng – Q6,
- Hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát– Hải Thượng Lãng Ông- Q5…
Trong các nơi ăn sáng đó, theo Tôi mỗi nơi có một món ăn ngon riêng như Bún chả giò, cơm tấm sườn bì chả Tư Hòang; Mì gà hoặc vịt roti Huê Ký hoặc Phở 24, Phở Lệ …
Tuy nhiên, thú vị nhất vẫn là ở Phong Lan quán nhờ có không gian rộng thoáng và ở ngoài trời, nên ngoài việc ăn sáng, chúng tôi còn nghe tiếng chim hót, nhìn ngắm các cây như khế, xoài, sapochê…trĩu trái, ngắm hoa phong lan đung đưa trước gió khá nhiều thú vị và đặc biệt là thưởng thức món ăn điểm tâm “Dim sum”.
Thực ra, đây là món ăn sáng nổi tiếng của Trung Quốc không khác gì rượu vang của Pháp hay món kim chi của Hàn Quốc!
Dim Sum theo tiếng Quảng Đông-Trung Quốc là “Điểm sấm” có nghĩa là những đồ ăn điểm tâm nhỏ, còn theo tiếng Anh thì Dim (có nghĩa là a little bit-một chút) Sum (có nghĩa là love and care – yêu mến và quan tâm), nói chung đó là một món ăn được cook with the hearted love–nấu ăn với cả trái tim yêu thương!
Đó là món ăn có hàng trăm chủng loại khác nhau như bánh bao-há cảo-xíu mại khô/nước-bánh bột nếp- khoai môn -hủ tiếu -mì sườn- bò kho -cật hoành thánh -xa xíu cá tôm-…nhưng được thực hiện trên một số đặc trưng chủ yếu sau:
- Có một lớp bột bọc mỏng ở bên ngoài,
- Được rán hoặc hấp chín,
- Trong một giỏ tre để giữ nóng và giữ được hương vị lâu(rất tiếc là ở Phong Lan quán đã chuyển sang những xững inox không còn được hương vị xuất sắc vốn có),
- Chỉ từng món nhỏ (little bit).
Bên cạnh món điểm tâm Dim sum, theo phong cách của người Hoa là uống trà Tàu, mà trà tàu thì đủ lọai nào là oolong, phủ lỷ-trà xanh-trà hoa cúc buly, trà thiết quan âm….nhâm nhi tách trà ban sáng lại đẻ ra nhiều câu chuyện thú vị đúng như người xưa bảo: “Bình minh nhất trản trà”! theo kiểu “Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều” hoặc như cụ Tiên Điền Nguyễn Du: “Hương gây mùi nhớ trà khang giọng tình”…
Chỉ tiếc là uống trà tàu mà thiếu ấm Nghi Hưng (Tên một huyện gần Thượng Hải thuộc tỉnh Giang Tô, có loại đất sét mịn, có chứa thạch anh-mica-và đặc biệt là chất sắt thường gọi là ấm tử sa (purple sand và rất may là tôi đã đến được nơi này và mua được 1 ấm trà nhò xìu – 1 triệu dồng! vê thư thái nhâm nhi! ( cũng như thiếu ngừơi đẹp hầu trà, nên thú vui chưa trọn vẹn!
Quanh chén trà lai rai, chúng tôi còn có dịp bàn chuyện mình, chuyện thiên hạ (chuyện ngũ bá…) làm cho buổi ăn sáng càng thú vị hơn.
Thí dụ như: “Vì sao gs Chiến phỏng tay trên thương hiệu Taxì 27/7 của Mr Thự” ? mà theo bạn ấy là phải dùng đến kế “Quỉ Cốc tiên sinh” của Tôn Tẫn – Bàng Nguyên, làm tôi nhớ đến ngày nay “Thương trường là chiến trường” nên không lạ gì khi đại học Harvard Hoa Kỳ, họ dạy cả binh pháp Tôn Tử (Tôn Tử thập tam thiên) cho những ai thích kinh doanh, chẳng hạn:
- “Lợi nhi dụ chi”, tức phải bỏ ra con tép để bắt con tôm mà cụ thể là “hoa hồng”, phí tổn một chút nhưng sẽ đem cho ta biết bao lợi khác!
- “Loạn nhi thủ chi”, tức biết điểm yếu của đối phương để ta kích động để gây rối (quấy rối) không cần đánh trực diện; trong thương trường cũng thế!
- “Phi lợi bất động, phi đắc bất dụng, phi nguy bất chiến” có nghĩa là “không có lợi thì không hành động, không chiếm được thì không dụng binh, không nguy hiểm thì không khởi binh”, áp dụng vào kinh doanh cũng thế, tuy có vẻ thực dụng chủ nghĩa một chút! nhưng thực chất đó là con đường kinh doanh tuyệt đối đúng.
- Minh quân, hiền tướng nên cẩn thận từng giờ từng phút không nên vì hả cơn giận chốc lát mà đưa nước đến cảnh quốc gia vong, trong thương trường cũng thế: tối kỵ hành động theo tình cảm:“Nội cử bất tị thân, ngoại cử bất tị hiềm”, điều mà mình không ngờ bạn Luận-một tài năng trẻ, chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang, đã vận dụng được khá thành công…
Hoặc những triết lý khá đơn giản của ông bạn Sơn, người bạn đồng niên và đồng môn Phú Thọ, đã lập luận: “Trăm điều thiện hiếu thảo đứng đầu/ Ngàn việc dữ tà dâm đi trước”…
Từ vấn đề ăn sáng, nếu luận thêm một chút về dinh dưỡng theo “Vị”, chúng ta sẽ thấy vấn đề ẩm thực bao giờ cũng là một đề tài thật thú vị!
Trong ẩm thực hàng ngày,chúng ta thường trải qua 6 vị khác nhau là: đắng-mặn-ngọt-chua-cay và chát, mỗi vị đều có vai trò riêng và tương ứng với một cơ quan nhất định của cơ thể ta:
–Vị ngọt, cơ quan tương ứng là dạ dày, lá lách, tuyến hạ vị. Đây là vị chính, nó làm tăng năng lượng cuộc sống, xây dựng và củng cố mô trong cơ thể, tạo cảm giác dễ chịu.Sử dụng đúng vị ngọt làm tăng tuổi thọ, tăng cảm xúc và kéo dài tuổi trẻ. Thừa vị ngọt, sẽ ảnh hưởng xấu đến tuyến hạ vị, gây bệnh cảm cúm, béo phì, các khối u phát triển và phù. Cảm xúc liên quan đến vị ngọt là Tình yêu và sự gắn bó.
–Vị mặn, cơ quan tương ứng là thận, tuyến thượng thận, các cơ quan sinh dục, bàng quang.Vị mặn tạo sự tác dụng thư giãn và thả lỏng đối với cơ thể.Thừa vị mặn dẫn đến tê liệt hoạt động của các cơ quan này, cũng như sự xuất hiện sớm các vết nhăn và hói, làm tăng độ acid trong dạ dày, tăng huyết áp.Trong cảm xúc vị mặn tương ứng với tính tham lam!
–Vị chua,cơ quan tương ứng là gan và túi mật.Vị chua kích thích thèm ăn và có tác dụng tốt đến hệ tiêu hoá, cung cấp năng lượng cho cơ thể.Thừa vị chua kích thích bệnh gan và túi mật, gây độc cho máu và các bệnh về da.Thực phẩm giàu vị chua như cam-qúit-sữachua-phô mai-chanh-nho xanh…Về cảm xúc, vị chua tương ứng với cảm giác ganh ghét, đố kị.
–Vị cay, cơ quan tương ứng là phổi.Cần để hỗ trợ trao đổi chất tăng sự ngon miệng và làm nóng cơ thể.Vị cay có trong thực phẩm như hành-củ cải-hồ tiêu-ớt đỏ-tỏi-mù tạt-gừng…Về mặt cảm xúc, vị cay tương ứng với cảm xúc căm thù.
–Vị đắng, cơ quan tương ứng tim-ruột non.Với số lượng ít vị đắng làm cơ thể khoẻ lên, kích thích tiêu hoá cải thiện trao đổi chất làm sạch máu, củng cố da và cơ.Vị đắng có trong cà phê.Về mặt cảm xúc, vị đắng tương ứng với cảm giác đau khổ.
–Vị chát, tương ứng với ruột già.Vị chát giúp củng cố các mô hút ẩm và ngăn chảy máu.Thừa vị chát gây bệnh ở ruột già, co dạ dày và ruột, táo bón, tiêu hoá khó khăn, làm thu hẹp mạch máu.Thực phẩm có vị chát như chuối xanh-quả hồng-mộc quả-lựu-đậu xanh-khoai tây-rau diếp-…Vị chát tương ứng với cảm giác sợ hãi.
Hoặc nhân nói đến vấn đề ẩm thực, chúng ta không thể không nhắc đến mối quan hệ vợ-chồng-bồ bịch-quà-chả-nem... hoặc câu chuyện ẩm thực “Cơm và Phở” không biết xuất xứ từ bao giờ và từ ai? nhưng mấy năm gần đây, nó đã trở thành đề tài “Trà dư tửu hậu” rất thú vị và hình như ai ai trong chúng ta cũng biết, cũng thuộc!
Cơm và Phở,
“Cơm” một biểu tượng của người nội tướng trong mỗi gia đình. Còn “Phở” lại chính là người phụ nữ mà những đấng mày râu có máu 35 lén phén đến:
“Sáng: Chở Cơm đi ăn Phở
Trưa: Chở Phở đi ăn Cơm
Chiều: Cơm về nhà Cơm
Phở về nhà Phở
Tối: Nằm với Cơm nghe thơm thơm mùi Phở”.
Hoặc chuyển sang một kiểu khác:Vợ và Bồ,
“Vợ là Địch /Bồ bịch mới là Ta/Khi chiến sự xảy ra/Ta buộc về với địch/Nằm trong lòng Địch /Ta vẫn nhớ đến Ta”…
Hoặc đối với những anh chàng “thỏ đế” hơn thì:
“Ta về cơm sống ta ăn
Dù xương dù thịt cơm nhà vẫn hơn
Phở kia hấp dẫn thơm tho
Ăn vào chẳng thấy răng còn ăn Cơm!”
Hoặc đối với những anh chàng biết “lợi thế so sánh” của phu nhân mình thì vẫn phải dè chừng:
“Vợ là Cơm nguội của Ta
Nhưng là Phở tái của cha láng giềng”!
để tránh được cái cảnh ông bà xưa ta đã khuyên: “Ông ăn Chả thì bà ăn Nem”.
Thực ra, nếu chị Em ta biết được “tính 35 vốn dĩ” của quí ông chỉ là do bản chất “truyền giống” của họ thì có thể thông cảm với cánh đàn ông để “sống chung với lũ” thì họ cũng không mất mát gì nhiều:
“Đàn ông có tám lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người”.
Hoặc
“Đàn ông đều thích ăn quà
Ăn quà rồi lại về nhà ăn cơm
Nhai cơm như thể nhai rơm
Cho nên họ phải vừa Cơm vừa Quà”.
Hoặc vững tin hơn nữa thì cánh phụ nữ cứ yên tâm mà khẳng định cùng bạn bè:
“Chồng Em không thích ăn qùa
Đi đâu cũng thích về nhà ăn cơm
Con bò trọn kiếp nhai rơm
Chồng Em trọn kiếp ăn cơm ở nhà”!
vì thực ra đâu chỉ có đàn ông hư ? cũng có những anh chàng tốt bụng như ta chẳng hạn:
“Cơm tẻ no, phở cho chả thiết”
hoặc“Đi đâu xa… cũng nhớ về Cơm…”
bỡi vì một điều đơn giản:
“Dù không sinh đẻ ra ta
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao” hoặc
“Khi ta đau đớn xanh xao/Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay”!
Hoặc dù các đấng mày râu có thiếu trách nhiệm đến đâu họ cũng khó có thể quên Cơm khi người vợ họ đã tự đánh giá về mình: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng”!
Nhưng khi nhắc đến Phở và Cơm chúng ta chớ có sa đà mà hãy tự nhắc với nhau rằng:
“Bình minh nhất trản trà/Thất nhật dâm nhất độ”
mới đảm bảo sức khỏe cho những ngày tiếp theo nếu không chúng ta ắt gặp cảnh: “Lương y tất đáo gia”! và cuộc đời ta ngắn lại!
Kết thúc câu chuyện vui về ăn sáng này, Tôi chắc không thể không ghi lại tấm thịnh tình của gs Cáp – giám đốc công ty quảng cáo Trẻ, nhân ngày 8.3.2009 đã có nhã ý mời vợ chồng mình và vợ chồng anh ấy dùng điểm tâm sáng ở lầu 6 Hùng Vương plaza.Chỉ tiếc là giờ chót lại thiếu vắng chị Cáp!
Lần đầu tiên dự ăn sáng ở đây, chúng tôi ghi nhận toàn cảnh ở khu vực khi nhìn từ trên cao bao giờ cũng đẹp! Bàn ăn sáng của chúng tôi nhìn đối diện với trường Đại học Y khoa-Sài Gòn, xây từ hơn 30 năm trước, bây giờ không hề có sửa chữa gì! trông thật lãng phí so với tính hiện đại và uy nghi của nó cách đây hơn 30 năm(vào những năm 1970)là ngôi nhà mơ ước của hàng vạn cô chiêu-cậu Tú, không những ngày xưa mà còn cả bây giờ!
Còn món ăn sáng thì chúng tôi dùng Dim Sum như ở Phong Lan, nhưng giá cã thì đắt hơn nhiều, một xuất ăn như ở Phong Lan quán phải mất đến 200 – 250.000đ/người!
Món ăn thì cũng như thế: bánh xếp nước vi cá (sharp’s fin soup dumpling), Há cảo thuỷ tinh (Steamed prown dumpling),Xíu mại (Steamed pork dumpling), Chân gà hấp tàu xì (Steamed chicken feet with black bean sauce),Bánh bao Thượng Hải (Shangai steam bun)…nhưng hình như “tiền nào của ấy”!
Qua một số buổi ăn sáng với gs Cáp, phong cách của bạn ấy là sự ấm cúng và yên tĩnh của khung cảnh, món ăn mang tính cách dinh dưỡng cao, còn bi nhiêu thì bi! bỡi vì chắc triết lý của bạn ấy chọn: “Tiền bạc chỉ là phương tiện còn chính cuộc sống mới là cứu cánh!”.
Còn một kỉ niệm thật tuyệt vời khác cũng liên quan đến buổi ăn sáng, mà nay đã chỉ còn là ký ức của một thời! Đó là buổi ăn sáng cùng người đẹp Lan khi còn thuở hàn vi ở Cao Sơn quán-Lê Lợi Sài Gòn(Nay là Burbon quán, cạnh bệnh viện Sài Gòn) trước ngày giải phóng, với món tráng miệng “đu đủ-dùng với đường cát trắng”, mà mãi sau này khi đã thành vợ-thành chồng mình mới có dịp quay hỏi lại, và mới biết thật rằng: cả chàng trai từ quê lên Tỉnh là Tôi, cùng cô gái sinh đẻ ở chốn thị thành là Lan, đều quê một cục! Thật tuyệt vời!
Thân/kính tặng
Những bạn bè có thú vui ăn sáng cùng Tôi!
Lê Trung Tính
(22/2/2009)